Cảnh báo 'mối họa' trên đường về quê ngày nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Cục CSGT, việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ là cần thiết để tạo tính răn đe, tránh nguy cơ tai nạn đáng tiếc...

Gần đây, trên không ít tuyến đường giao thông, từ quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn tại các địa phương các tỉnh phía Bắc thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.

Đặc biệt tại những tuyến đường mà hai bên vẫn còn ruộng được canh tác, sau khi thu hoạch, người dân mang thẳng lúa lên đường cái để xử lý và dùng mặt đường để phơi thóc…

Đường để các phương tiện có thể đi lại thành nhỏ hẹp. Ảnh: Dân trí.

Cục CSGT nhận định, ngoài lý do chật hẹp, không có diện tích, nhiều người dân sợ phơi thóc làm bụi bẩn nhà cửa nên đã mang ra đường phơi. Thóc phơi chiếm phần lớn lòng đường, có đoạn chỉ chừa lại một lối hẹp dành cho các phương tiện lưu thông.

Người dân còn lấy gạch, đá, cành cây, lốp xe... để chèn bạt phơi, ngăn không cho xe đè lên thóc, tạo chướng ngại vật cho người và phương tiện tham gia giao thông. Xe máy, ô tô lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang làn đường ngược chiều. Không khó để bắt gặp cảnh người dân đứng ra giữa đường lúi húi đảo thóc, cào thóc.

Khoản 3, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Điểm d, khoản 2, điều 35 cũng quy định cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi các phương tiện cơ giới trên đường gặp các vật cản bất ngờ sẽ xử lý không kịp hoặc khi lái xe đi trên bề mặt lúa cũng rất có thể xảy ra tai nạn cho mình và người khác do trơn trượt.

Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường.

Cũng theo Cục CSGT, những đoạn đường có rơm, rạ rất nguy hiểm đối với người và phương tiện lưu thông, bởi khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận của xe. Trong khi đó, rơm, rạ khô lại rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao.

Không chỉ khi rơm, rạ cuốn vào ống xả, mà chỉ cần xe chạy cuốn theo rơm, rạ, tạo ma sát với mặt đường cũng sinh nhiệt, dễ gây cháy. Đã có một số trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ.

Ảnh: Cục CSGT

Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, còn do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt xử lý triệt để những vi phạm nêu trên.

Theo Cục CSGT, việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm là cần thiết để tạo tính răn đe, tránh nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Như vậy hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”.

Đọc thêm

Dồn sức thông xe hai dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/4

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Nhà thầu dự án cung cấp)
(PLVN) - Không chỉ thi công 3 ca, 4 kíp suốt ngày đêm, nhiều nhà thầu còn sẵn sàng tăng cường máy móc, nhân lực sang hỗ trợ nhà thầu khác đang gặp khó để nỗ lực đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào hoạt động trước dịp 30/4.

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...