Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em do COVID-19

Tình trạng nguy kịch của bé N. đã được kiểm soát. Ảnh: BVCC
Tình trạng nguy kịch của bé N. đã được kiểm soát. Ảnh: BVCC
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh nhi N.K.N (8 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục hơn 39 độ C, kích thích, ban đỏ da dạng toàn thân, ngứa nhiều, kết mạc mắt đỏ, khó thở, đau tức ngực...

Ngày 28/3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Hồi sức Tích cực chống độc vừa cấp cứu thành công bệnh nhân mắc hội chứng MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em liên quan đến COVID-19). Bệnh lý này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm tới tính mạng trẻ.

Gia đình cho biết, bệnh nhi bị nhiễm COVID-19 cách vào viện 4 tuần, với triệu chứng nhẹ, tự theo dõi, điều trị tại nhà. Trước khi vào viện 5 ngày, trẻ xuất hiện sốt cao liên tục khó hạ, được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương điều trị nhưng tình hình không cải thiện. Ngày thứ 5, trẻ xuất hiện khó thở nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị tiếp.

Khi vào viện, bệnh nhi sốt cao liên tục hơn 39 độ C, kích thích, ban đỏ da dạng toàn thân, ngứa nhiều, kết mạc mắt đỏ, khó thở, đau tức ngực, các chỉ số viêm tăng rất cao (procalcitonin 4.495 ng/mL, CRP định lượng 253.8 mg/L). Kết quả xét nghiệm có tình trạng rối loạn đông máu, chức năng tim suy giảm, SpO2 liên tục thấp...

Với những triệu chứng lâm sàng khi vào viện của bệnh nhi, các bác sĩ nghĩ tới ba khả năng: nhiễm trùng máu, bệnh Kawasaki và hội chứng MIS-C. Cả ba căn bệnh này đều nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Tuy nhiên, từ yếu tố dịch tễ kết hợp với việc nghiên cứu, cập nhật các tài liệu quốc tế và báo cáo khoa học của Bệnh viện Nhi Trung ương, và kết hợp xét nghiệm Troponin I 32.25 pg/mL; Pro-BNP 1274 pg/ml, các bác sĩ đã khẳng định bé N. mắc hội chứng MIS-C.

Đây là tình trạng viêm đa cơ quan trong cơ thể, người mắc căn bệnh này sẽ rơi vào nguy kịch và có thể tử vong nếu không được xác định và điều trị sớm. Ở Việt Nam mới ghi nhận một số ít ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chính vì số lượng mắc và ghi nhận quá ít nên rất khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tương tự khác.

Với sự cẩn trọng, tập trung trong công tác hội chẩn case bệnh khó, trường hợp của bé N. được chẩn đoán đúng. Chỉ sau hơn một ngày nhập viện, trẻ được dùng thuốc IVIG, thở oxy hỗ trợ, phối hợp kháng sinh cùng các thuốc đặc trị khác.

Hiện tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, hết sốt, hết ban da, thở thuận lợi, hết viêm kết mạc, và đã ăn uống được. Tình trạng nguy kịch của bé N. đã được kiểm soát.

Qua trường hợp trên, các sĩ khuyến cáo các gia đình cần cảnh giác và đi khám để được bác sĩ tư vấn khi có những bất thường trong và hậu COVID-19, từ đó tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Khi nào nên nghi ngờ trẻ mắc MIS-C?

Trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

Khi nhập viện trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh lý khác như bệnh Kawasaki, sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc...

Xét nghiệm được chỉ định tùy vào mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng kèm theo. Các xét nghiệm thường được làm cho những trẻ bị MIS-C bao gồm: xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông máu, phản ứng viêm của cơ thể, tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan, thận; xét nghiệm đánh giá tổn thương tim...

MIS-C được chẩn đoán dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng (như sốt cao, các dấu hiệu tổn thương các cơ quan như tim, hệ tiêu hóa..) và các kết quả xét nghiệm có tình trạng tăng phản ứng viêm của cơ thể. Trẻ cũng cần có bằng chứng từng nhiễm SARS-CoV-2. Tới nay, chưa có một triệu chứng hay một xét nghiệm đơn độc nào đủ để chẩn đoán xác định MIS-C.

Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19 là cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch.

Tiêm đủ liều vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng và nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ mắc MIS-C. Với trẻ đang mắc hoặc sau mắc COVID-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, các phụ huynh phải nghĩ tới MIS-C và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.

Các bác sĩ xuyên đêm phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não, giúp “tái sinh” 4 cuộc đời

Các bác sĩ xuyên đêm phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não, giúp “tái sinh” 4 cuộc đời
(PLVN) - Rạng sáng 24/10/2024, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ca phẫu thuật lấy tạng của người hiến sau khi chết não và ghép 2 thận cho 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Các tạng còn lại gồm tim và gan được chuyển đến ghép cho 2 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

1 ca tử vong do cúm A/H1, Bộ Y tế khuyến cáo

Một trường hợp nhiễm vi rút cúm A nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
(PLVN) - Bệnh cúm A/H1 thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thời điểm giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh cúm này phát triển.