Tờ Independent của Anh dẫn số liệu do Đại học Johns Hopkins công bố ngày 24/2 cho hay, tính đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lây nhiễm cho khoảng 80.000 người trên toàn cầu và hơn 2.600 người đã tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc.
Tại Anh, cuối tuần qua, người đứng đầu cơ quan y tế của Anh xác nhận rằng 5 người được đưa từ tàu du lịch Diamond Princess trở về Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm virus ở nước này 13 người. Bốn người này, cùng với 28 người khác, hiện đang bị cách ly ở Merseyide.
Giáo sư Paul Hunter thuộc Đại học East Anglia cho rằng sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc gần đây là cực kỳ đáng quan ngại.
Các ca lây nhiễm ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran cũng là yếu tố gây lo ngại. Bên cạnh đó, còn một loạt các trường hợp nhiễm virus ở Italia hiện đang là mối lo ngại lớn đối với châu Âu.
“Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã nói về việc thu hẹp cửa sổ cơ hội để kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Điểm bùng phát - mà sau đó chúng ta không còn khả năng ngăn chặn một đại dịch toàn cầu - dường như đã gần hơn rất nhiều sau mỗi 24 giờ", Giáo sư Hunter cảnh báo.
Tiến sĩ Bharat Pankhania - một giảng viên lâm sàng tại Đại học Exeter - trên tờ Daily Telegraph cũng cho rằng tất cả các thành tố quan trọng của một đại dịch hiện đều đã có. “Trung thực và nói ra điều đó sẽ tốt hơn”, Tiến sĩ Pankhania nói.
Các cảnh báo trên được đưa ra sau khi người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp với các bộ trưởng y tế của các nước châu Phi đã bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các trường hợp không có mối liên hệ dịch tễ rõ ràng nào, như lịch sử đi lại tới Trung Quốc hoặc liên hệ với một trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, đặc biệt là ở Iran.
Ngày 24/2, Kuwait tuyên bố đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở những người từng đi tới Iran, bao gồm một công dân Ả rập Xê-út.
Bahrain hôm nay cũng đã công bố trường hợp nhiễm virus đầu tiên. Theo thông báo của giới chức nước này, người bị nhiễm virus cũng đã tới Iran.
Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy khoảng 25.000 người trên thế giới đã phục hồi sau khi bị nhiễm virus corona.