Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 1/3, Công an thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhận được tin báo của chị P.N.V (sinh năm 1992 ở thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) về việc bố chị là ông P.V.T (SN: 1970, trú tại: thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) đang có đối tượng tự xưng công an, gọi điện thoại yêu cầu ông chuyển 11 triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, cán bộ Công an thị trấn Tây Đằng cùng chị P.N.V đã khẩn trương có mặt tại nhà ông P.V.T để xác minh vụ việc.
Ông P.V.T cho biết, từ ngày 28/2 ông liên tục nhận được một cuộc gọi đến điện thoại di động của bản thân từ người tự giới thiệu là cán bộ công an. Người này nói ông có liên quan tới một vụ án có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma tuý hàng tỷ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu ông chuẩn bị 2 triệu đồng, sau đó là 9 triệu đồng nếu không sẽ bị bắt giữ.
Đến sáng ngày 1/3, ông P.V.T có chuẩn bị giấy tờ và tiền theo yêu cầu đến Quỹ Tín dụng thị trấn Tây Đằng để chuyển tiền cho đối tượng trên.
Biết được thông tin, chị P.N.V là con gái ông P.V.T nhanh chóng thông báo sự việc cho Công an thị trấn Tây Đằng nhờ hỗ trợ.
Sau khi nắm tình hình, Công an thị trấn Tây Đằng đã giải thích rõ cho ông P.V.T về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gây án.
Trước phương thức và thủ đoạn như trên, thời gian qua Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ phối hợp với Công an các xã, thị trấn nhiều lần khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.