Công an tỉnh Kon Tum thông tin, đầu tháng 9/2023, chị X tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook thì thấy quảng cáo cuộc thi áo dài Việt Nam qua fanpage “Cuộc thi áo dài duyên dáng Việt Nam”.
Chị X nhắn tin cho fanpage này, ngay lập tức chị X được 1 tài khoản facebook có tên “Anh Quân” tư vấn qua Messenger. “Anh Quân” đã yêu cầu chị X cung cấp thông tin cá nhân của mình và sau đó gửi cho chị X hình ảnh được cho là “thẻ thông tin ứng viên” (có đầy đủ họ và tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng và mã ứng viên), chương trình của đài truyền hình VTV.
Tiếp theo, chị X được “Hữu Trí” đưa vào nhóm Zalo khác có tên “104.VTV - VÒNG SƠ TUYỂN” có 6 thành viên. Sau khi thử nhắn tin cho 4 người còn lại trong nhóm, các thành viên tự xưng tới từ Nghệ An, Đăk Lăk và thậm chí có người tự xưng cũng tới từ Kon Tum nên chị X tin tưởng để tiếp tục cuộc hành trình.
Các đối tượng hướng dẫn chị X trong nhóm Zalo cách thức tham gia bằng cách chuyển số tiền trên sản phẩm mà hệ thống đưa ra sẽ được chuyển hoàn lại và có hoa hồng, tổng cộng có 3 thử thách. Sau 2 lần thử thách đầu tiên, chị X vẫn nhận được lại tiền hoa hồng, thế nên đến lần thử thách thứ 3, khi các đối tượng đưa giá sản phẩm lên, chị X không ngần ngại thực hiện chuyển khoản.
Tuy nhiên, các đối tượng lúc này tiếp tục yêu cầu chị X. chuyển tiếp số tiền của thử thách thêm một lần nữa để có thể nhận được tiền và hoa hồng, với lý do “nội dung chuyển khoản sai cú pháp”, nếu không hoàn thành sẽ mất hết số tiền trước đó vì “chưa hoàn thành nhiệm vụ”.
Vì lo sợ mất đi số tiền đã chuyển trước đó, chị X tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng. Lúc đó các thành viên trong nhóm Zalo “104.VTV - VÒNG SƠ TUYỂN” cũng liên tục nhắn vào nhóm đã nhận được tiền hoa hồng khiến cho chị X cảm thấy tin tưởng hơn.
Chị X đã "hoàn thành thử thách" với tổng số tiền đã chuyển cho các đối tượng là hơn 1 tỷ đồng. Các đối tượng thông báo chị X đã hoàn thành và yêu cầu chờ đợi khoảng 5 phút. Tuy nhiên, hơn 30 phút trôi qua, chị X không thấy phản hồi gì nên liên lạc với các đối tượng, và được chúng tiếp tục thông báo “nếu muốn nhận lại tiền thì liên hệ tổng đài để được tư vấn”.
Chị X gọi điện cho số tổng đài trên và tiếp tục được giới thiệu cho 1 tài khoản Zalo khác để có thể nhận lại được tiền mình đã chuyển. Lần này, các đối tượng lấy lý do là số tiền giao dịch của chị X không khớp trên hệ thống, và yêu cầu chuyển hơn 150 triệu đồng nữa mới có thể rút toàn bộ tiền ra. Vì tiếc số tiền hơn 1 tỷ đồng đã bỏ ra trước đó, nên chị X tiếp tục chuyển theo yêu cầu của các đối tượng. Chúng lại yêu cầu chị X đợi, và sau đó lại lấy lý do hệ thống quá tải nên hẹn chị X vào ngày tiếp theo.
Hôm sau, chị X liên lạc hỏi tại sao vẫn chưa nhận được tiền, thì các đối tượng yêu cầu chị X chuyển cho chúng thêm gần 200 triệu đồng nữa gọi tiền là “tiền cafe” để chúng làm thủ tục chuyển tiền cho chị X. Đến lúc này, chị X mới tá hỏa là bản thân là bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mục đích ban đầu là tham dự cuộc thi áo dài, nhưng chị X đã bị các đối tượng lôi kéo tham gia vào vòng xoáy “làm nhiệm vụ để nhận tiền hoa hồng” từ lúc nào không hay. Với tâm lý tiếc tiền đã bỏ ra nên càng ngày chị càng bị cuốn sâu, đến khi không còn khả năng về tài chính nữa mới ngộ ra bản thân đã bị lừa.
Qua trường hợp trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Kon Tum đề nghị người dân cần cảnh giác hơn nữa khi tham gia vào mạng xã hội. Bởi các hình thức lừa đảo liên tục được các đối tượng biến đổi ngày càng tinh vi hơn để có thể dễ dàng dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt là ham “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”, tuyệt đối không có hình thức kiếm tiền bằng cách chuyển khoản qua lại để nhận hoa hồng với lãi suất cao.