Để tìm hiểu về loại bộ ớt có màu sắc đỏ rực bắt mắt này, chúng tôi đã tìm đến một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội như: chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang, hay chợ Sinh Viên. Trong vai một người muốn mua bột ớt với số lượng lớn để về dầm hoa quả bán, chúng tôi đã tìm đến những cửa hàng bán đồ khô ở chợ Đồng Xuân, nhưng các tiểu thương đều lắc đầu nói không có.
Cô Yên cũng như nhiều tiểu thương khác đều lý giải rằng, sở dĩ các cửa hàng ở đây không bán vì Đồng Xuân là khu chợ đầu mối, thường xuyên có các đơn vị chức năng đến kiểm tra, qua thử nghiệm nếu phát hiện có chất tạo màu, chủ cửa hàng có thể bị phạt hành chính đến tiền triệu, thậm chí là đi tù nếu sự việc diễn biến nghiêm trọng. Các tiểu thương ở khu chợ này cho hay, loại bột ớt có màu đỏ đậm hơn so với bình thường thì chắc chắn đã bị ngậm phẩm màu, nếu buôn bán rất dễ bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Bột hoa hiên dùng để tẩm vào ớt bột |
Thế nhưng khi tìm đến khu chợ Phùng Khoang hay chợ Sinh Viên, chúng tôi lại rất dễ dàng tìm được loại bột ớt đỏ, và điều đặc biệt hơn nữa là loại bột ớt này xuất hiện ở đây không có chút gì gọi là “hàng thuộc danh mục cấm” như một số tiểu thương ở chợ Đồng Xuân chia sẻ, vì nó được bày bán ngang nhiên trên kệ hàng. Một người đàn ông ở chợ Phùng Khoang đưa ra một loại bột màu đỏ mà ông ấy nói rằng đó là bột ớt, đựng trong túi nilong to, nhưng chỉ còn một ít dưới đáy túi. Theo quan sát thì loại bột ớt đỏ này không có gì khác biệt nhiều so với bột ớt thông thường, ngoài màu sắc đỏ rực và vị ít cay hơn.
Tại chợ Sinh Viên, chúng tôi cũng được chủ cửa hàng bán đồ khô đon đả giới thiệu và đưa ra 2 loại bột ớt nói rằng, nếu muốn hoa quả có màu sắc đẹp mắt thì nên mua bột ớt đỏ, màu sẽ lên ngay sau khi pha trộn; còn nếu muốn dùng loại “xịn” hơn thì mua bột ớt màu vàng nhạt ngay cạnh bên vì nó cay hơn, nhưng màu lại không đẹp. Và đương nhiên loại bột ớt “xịn” có giá đắt hơn, ở mức khoảng 60nghìn đồng/1kg, trong khi bột ớt đỏ chỉ có giá 50nghìn đồng/1kg.
Hai loại bột ớt mà chúng tôi được giới thiệu có cách đóng gói hoàn toàn khác nhau: trong khi loại bột ớt có màu vàng nhạt mà các tiểu thương gọi là “xịn” được đóng túi cẩn thận, với khối lượng khoảng 0.5kg/1túi, bao gồm thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như địa chỉ rõ ràng; thì bột ớt đỏ có giá rẻ hơn 10nghìn đồng lại được đựng trong túi nilong to, không nhãn mác, không thành phần cũng không cả địa chỉ. Thắc mắc về màu sắc của loại bột ớt có giá 50nghìn đồng/1kg này liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sử dụng, lập tức sau đó người bán hàng thay đổi sắc mặt, thái độ và đuổi chúng tôi đi.
Ớt bột được bán ngoài thị trường |
Lý giả cho thái độ này, một người đàn ông cũng buôn bán đồ khô ở chợ Sinh Viên không ngần ngại cho hay: “Nếu là bột ớt mộc tự nhiên sẽ không bao giờ có thể cho ra màu đỏ rực như vậy được, nếu có thì chắc chắn trong đó chứa chất tạo màu”. Người đàn ông này khẳng định rằng, ông vốn buôn bán lâu năm nên những “chiêu hô biến” cho bột ớt đang từ màu vàng nhạt chuyển sang đỏ thẫm là chuyện quá đơn giản. Rồi ông lôi trên kệ hàng của mình ra cho chúng tôi xem một loại bột màu đỏ, mịn, đựng trong túi nilong nhỏ, ông nói đấy là bột hoa hiên mà các cửa hàng hay dùng để tẩm màu bột ớt. Bột hoa hiên này có giá 5nghìn đồng/túi nửa lạng.
Theo tìm hiểu, bột hoa hiên tự nhiên nguyên chất sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng; thế nhưng nó sẽ vô cùng độc hại nếu là bột hoa hiên dạng công nghiệp. Từ đây có nghi vấn được đặt ra, vậy nếu là bột ớt đỏ chứa bột hoa hiên tự nhiên, thì vì sao nhiều tiểu thương tại chợ Đồng Xuân lại từ chối bán mặt hàng này? Và vì sao khi chúng tôi hỏi về độ an toàn của bột ớt đỏ cho người sử dụng, thì người phụ nữ bán đồ khô ở chợ sinh viên lại phản ứng gay gắt và đuổi chúng tôi đi?
Hoa quả dầm với bột ớt |
Có cầu ắt có cung! Chừng nào người kinh doanh còn đặt lợi ích bản thân lên trên sức khỏe người tiêu dùng, thì chừng ấy nhiều tiểu thương còn tìm ra mọi mánh khóe để trục lợi. Chừng nào những người bán hoa quả dầm còn trộn 2 loại bột ớt đỏ và vàng nhằm tạo nên sự bắt mắt thu hút người mua, như người phụ nữ tuổi đã ngoài 50 bán hoa quả dầm cũng ngót chục năm trời ở chợ Nhà Xanh-nơi có nhiều người qua lại, đặc biệt là sinh viên các trường đại học-chia sẻ thì chừng ấy sức khỏe con người còn bị đe dọa.
Để nhận biết bột ớt ngậm phẩm màu hay không, người tiêu dùng có thể phân biệt qua màu sắc và vị của nó. Trong khi loại bột ớt chứa phẩm màu thì màu sắc đỏ thẫm hơn bình thường, vị ít cay hơn; còn bột ớt “xịn” lại có màu vàng nhạt và vị cay. Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn, tránh chọn những loại bột ớt có màu sắc lòe loẹt, bắt mắt, vì trên thực tế bột ớt mộc tự nhiên không bao giờ có màu sắc như vậy./.