Theo đó, Cục ATTP nhận được 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu do Đoàn kiểm tra của Cục ATTP lấy mẫu tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Đan Phượng, Hà Nội) có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthalein.
Trong sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Feo dứa (quy cách đóng gói 7 gói/túi; số lô 04.2021, sản xuất ngày 25/11/2021, hạn sử dụng đến 24/11/2024); số đăng ký sản phẩm là 4811/2021/ĐKSP ngày 31/5/2021.
Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ V.I.C (địa chỉ ở 52/46 ấp 4 xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Chất cấm được phát hiện trong sản phẩm Feo dứa là Sibutramine (5,93 mg/g), Phenolphthalein (0,71mg/g).
Còn thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống thảo mộc Mộc slim (đóng gói 30 viên/hộp; số lô 01.2021, sản xuất ngày 17/4/2021, có hạn sử dụng: 16/4/2024); số đăng ký sản phẩm 2773/2021/ĐKSP ngày 29/3/2021.
Sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển; Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thiên Hương (địa chỉ ở ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Chất cấm được phát hiện trong viên uống thảo mộc Mộc slim là Sibutramine (12,7mg/viên), Phenolphthalein (2,40mg/viên).
Hiện Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định thu hồi 2 sản phẩm vi phạm nêu trên và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, từ tháng 10-2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine. Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cũng đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.
Phenolphthalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. Chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ.