Những vụ tấn công liên tiếp
Theo SOHR, các tên lửa bắn từ không phận Liban nhằm vào một số vị trí của lực lượng dân sự tại huyện Masyaf. Một tên lửa nhằm vào trung tâm nghiên cứu của chính phủ, nơi phát triển và cất giữ các tên lửa đất đối đất và được cho là có một số chuyên gia Iran đang làm việc. SOHR cho biết những năm gần đây, cơ sở nghiên cứu này đã nhiều lần bị Israel không kích.
Về phần mình, quân đội Israel cho biết sẽ không bình luận về thông tin đưa trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Kể từ khi xung đột xảy ra tại Syria năm 2011, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích vào Syria nhằm vào các vị trí quân sự, trong đó có vị trí của các lực lượng Iran và phong trào Hezbollah của Liban.
Theo hãng thông tấn Syria SANA, Bộ Ngoại giao nước này ngày 25/12 đã lên tiếng chỉ trích các vụ tấn công “không thể chấp nhận được” của Israel, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn tái diễn hành vi gây hấn này.
Trong bức thư gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao Syria cho biết Israel đã bắn một loạt tên lửa qua không phận của Liban và nhằm vào khu vực Masyaf thuộc tỉnh Hama của Syria vào rạng sáng ngày 25/12.
Tiêm kích F-15 của Israel phá hủy mục tiêu. |
Phía Syria coi vụ tấn công này là sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời làm cản trở chiến dịch chống khủng bố của quân đội Syria. Vụ tấn công của Israel gây nguy hiểm đối với an ninh và ổn định của khu vực, đồng thời sẽ để lại nhiều hậu quả.
Bên cạnh đó, Syria kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gánh vác trách nhiệm, thực thi những biện pháp cứng rắn và ngay lập tức nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ tấn công của Israel và buộc Tel Aviv phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại người dân Syria.
Kể từ khi xung đột xảy ra tại Syria năm 2011, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích vào Syria nhằm vào các vị trí quân sự, trong đó có vị trí của các lực lượng Iran và phong trào Hezbollah của Liban.
Nội chính rối loạn
Bên ngoài thì mâu thuẫn, xung đột với nhiều bên, còn trong nước thì chính trường Israel đang rối ren trong bối cảnh nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc lần thứ ba nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Quốc hội nước này mới phải giải tán sau khi không thông qua được ngân sách quốc gia năm 2020-2021 trước thời hạn cuối cùng vào rạng ngày 23/12, điều này đẩy Israel vào vòng xoáy bất ổn mới với cuộc bầu cử lần thứ tư liên tiếp trong vòng 2 năm qua.
Diễn biến này trên thực tế đã được dự báo từ lâu do mâu thuẫn vẫn thường xuyên bộc phát trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Israel.
Theo thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực được đảng Likud do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu và đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz ký tháng 4/2020, ông Gantz đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và sẽ tiếp quản ghế Thủ tướng từ ông Netanyahu trong nửa cuối nhiệm kỳ của chính phủ thứ 35 tại Israel.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhìn nhận khả năng thực hiện thỏa thuận là rất thấp. Thực tế đã chứng minh rõ điều này, khi Thủ tướng Netanyahu thường xuyên sử dụng vấn đề ngân sách quốc gia và việc bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong ngành tư pháp, y tế, tài chính... để chi phối hoạt động của chính phủ liên minh.
Vấn đề ngân sách được xem là một lỗ hổng lớn trong thỏa thuận liên minh. Không ít lần ông Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của phe Xanh-Trắng trong việc thông qua ngân sách quốc gia và ông Gantz đã không thể gây sức ép đủ lớn do lo ngại bị đổ lỗi là nhân tố gây ra sự sụp đổ của liên minh.
Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, nếu bên nào phá vỡ thì bên kia sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng cho đến hết nhiệm kỳ của chính phủ. Ít ngày trước thời hạn cuối cùng, vấn đề ngân sách quốc gia một lần nữa nóng trở lại và ông Gantz không thể tìm được biện pháp thoát khỏi "thế khó" mà đảng Likud đặt ra.
Thủ tướng Netanyahu muốn thông qua dự thảo ngân sách thời hạn 1 năm, thay vì 2 năm như thông lệ với lập luận rằng điều này giúp chính phủ linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, đảng Xanh-Trắng muốn một ngân sách 2 năm bởi cho rằng Israel và liên minh cầm quyền cần sự ổn định trong cả năm 2021, thời điểm ông Netanyahu chuyển giao cương vị thủ tướng cho ông Gantz. Mặc dù hai bên đã thống nhất được một số nội dung, nhưng dự luật vẫn không thể được thông qua như dự kiến dù số phiếu chênh lệch rất nhỏ. Cả hai phía đều đổ lỗi cho nhau về kết quả này.
Với thực tế hiện nay, Israel sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, theo luật sẽ diễn ra vào ngày 23/3/2021 - tức 90 ngày sau khi quốc hội giải tán. Đây sẽ là cuộc bầu cử lần thứ tư liên tiếp tại Israel chỉ trong thời gian 2 năm.
Một trong những yếu tố quan trọng mà ông Netanyahu muốn dựa vào để nâng cao hình ảnh với cử tri là kết quả của việc đối phó với dịch bệnh, nhưng với tình hình hiện này thì chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi. Đó là lý do ông Netanyahu muốn lùi thời gian bầu cử đến tháng 5 hoặc 6.
Yếu tố thứ hai, tháng 2-3/2021 là giai đoạn cao trào trong đợt xét xử 3 vụ án liên quan đến Thủ tướng Netanyahu với các cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm dụng tín nhiệm.
Việc bị các đối thủ lợi dụng vấn đề trên để công kích sẽ hết sức bất lợi cho nhà lãnh đạo này trong chiến dịch vận động cử tri. Ông Netanyahu sẽ nỗ lực tối đa để giảm thiểu ảnh hưởng của các vụ xét xử, nhưng điều này không hề dễ dàng.
Một yếu tố khác cũng hết sức quan trọng là ảnh hưởng từ chính quyền mới của Mỹ. Mặc dù hiện chưa thể biết khả năng can thiệp của Mỹ vào tiến trình thành lập một chính phủ mới tại Israel, nhưng không thể bỏ qua yếu tố này do tính chất quan hệ giữa Mỹ và Israel. Tuy vậy, ông Netanyahu sẽ khó có thể nhận được sự trợ giúp mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Yếu tố thuận lợi rõ rệt đối với uy tín của ông Netanyahu lúc này là thành tích ngoại giao nhờ các thỏa thuận và tuyên bố hòa bình gần đây giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc.
Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây của các kênh truyền hình KAN và 12, đảng Likud có khả năng giành được 28-29 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới. Từ nay đến thời điểm tổ chức bầu cử còn 3 tháng nữa và sẽ có những thay đổi trong chính trường Israel. Thủ tướng Netanyahu sẽ nỗ lực vận động để giành được số phiếu lớn nhất, từ đó nắm thế chủ động trong đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.
Trong trường hợp rơi vào thế bất lợi, không loại trừ khả năng ông Netanyahu sẽ cản trở việc thành lập một chính phủ mới trong thời gian quy định, dẫn tới một cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này đã từng xảy ra trong vài cuộc bầu cử gần đây tại Israel.