Các nhà chức trách đã xác nhận một người tử vong sau khi mưa xối xả và lở đất phá hủy các con đường và khiến một số thị trấn miền núi bị cô lập. Ít nhất ba người mất tích. Bộ trưởng An toàn Công cộng Canada Marco Mendicino cho biết khoảng 18.000 người ở tỉnh bên bờ Thái Bình Dương này phải di dời tránh lũ.
“Chúng tôi dự kiến sẽ xác nhận nhiều trường hợp tử vong hơn nữa trong những ngày tới”, Thủ hiến British Columbia John Horgan cho biết, mô tả thảm họa là sự kiện 500 năm mới có một lần.
Ông Horgan nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ hạn chế việc đi lại và đảm bảo rằng việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu cũng như các dịch vụ y tế và khẩn cấp có thể đến được với người dân”, đồng thời kêu gọi mọi người không tích trữ hàng hóa thiết yếu.
Lũ lụt và lở đất cũng cắt đứt đường vào cảng lớn nhất của đất nước ở Vancouver, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.
Ít nhất 17.775 người ở British Columbia đã phải sơ tán do hậu quả của trận lũ lụt kinh hoàng. Ảnh: Tasnim News
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Chính phủ sẽ giúp British Columbia phục hồi sau cái mà ông gọi là “thảm họa khủng khiếp, khủng khiếp”.
Ottawa đang cử hàng trăm lính không quân đến hỗ trợ khắc phục hậu quả và “hàng nghìn người khác đang ở chế độ sẵn sàng”, ông Trudeau nói với các phóng viên ở Washington trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Canada-Mexico vào thứ Năm.
Thảm họa thêm nghiêm trọng hơn tại một số thị trấn ở những khu vực núi hẻo lánh, khó cận hạn chế khi nhiệt độ khiến mọi thứ đóng băng.
Erick Thompson, phát ngôn viên phụ trách các hoạt động khẩn cấp của khu vực tại Tulameen, phía đông bắc Vancouver, cho biết có tới 400 người bị mắc kẹt, nhiều người không có điện. “(Chúng tôi) đã tiếp tế đồ ăn bằng bay trực thăng gần đây”, ông nói với Canadian Broadcasting Corp.
Thảm họa này có thể là một trong những thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử Canada. Trận lũ lụt này là thảm họa thứ hai liên quan đến thời tiết ập đến British Columbia trong vài tháng qua. Một trận cháy rừng lớn ở cùng khu vực đã phá hủy toàn bộ thị trấn vào cuối tháng Sáu.
Đường cao tốc Coquihalla sau trận lũ bùn hôm 14/11. Ảnh: Reuters (do Bộ Giao thông British Columbia cung cấp)
Các nhà xuất khẩu hàng hóa từ ngũ cốc đến phân bón và dầu của Canada đã tranh giành nhau để chuyển hàng ra khỏi Vancouver nhưng không hề dễ dàng do điều kiện thời tiết và giao thông bị tê liệt trên nhiều tuyến.
Công ty TNHH Đường sắt Thái Bình Dương Canada và Công ty Đường sắt Quốc gia Canada, hai công ty đường sắt lớn nhất của Canada, cho biết các tuyến của họ đến Vancouver vẫn không sử dụng được vào ngày 17/11.
Sau khi một hiện tượng được gọi là "dòng sông trong khí quyển" đổ lượng mưa bằng lượng mưa cả tháng chỉ trong hai ngày, các quan chức lo ngại rằng một trận mưa như trút khác có thể làm ngập một trạm bơm gần Abbotsford, thành phố 160.000 dân phía đông của Vancouver, nơi đã phải sơ tán một phần.
Nước lũ dâng cao bao quanh các tòa nhà ở Abbotsford, British Columbia. Ảnh: Canada Press
Thị trưởng Abbotsford Henry Braun cho biết các tình nguyện viên đã xây dựng một con đập xung quanh trạm bơm. “Điều đó sẽ giúp chúng tôi có thêm thời gian, nhưng nếu chúng tôi có một sự kiện thời tiết khác như chúng tôi vừa trải qua, thì tình trạng thực sự rất khó khăn", ông nói với các phóng viên.