Viêm não Nhật Bản “tái xuất”
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, Hà Nội xuất hiện ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay. Bệnh nhi nam, 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ có dấu hiệu khởi phát bệnh ngày 31/5/2024 với các triệu chứng thường thấy như sốt cao, đau đầu, ngày tiếp theo xuất hiện triệu chứng cứng gáy, đi loạng choạng. Ngày 2/6/2024, nhập Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm ra kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Tiền sử tiêm phòng cho thấy, bệnh nhi đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối ngày 15/6/2019).
Trước đó, ngày 10/5/2024, CDC Đắk Lắk cũng ghi nhận một trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trên địa bàn tính từ đầu năm 2024. Theo thông tin từ CDC, bệnh nhân nam, 20 tuổi, ở huyện M’Đrắk. Ngày 18/4, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, sau hai ngày bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Sau đó được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm, tại đây kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Chia sẻ về việc viêm não Nhật Bản xuất hiện vào thời điểm này, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hiện đang trong mùa cao điểm phát bệnh, bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 - 8. Tỷ lệ tử vong và di chứng lên đến 25 - 35% ở trẻ nhỏ, những di chứng này gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, khả năng lao động khi trưởng thành.
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. TS.BS Nguyễn Văn Lâm khẳng định, đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, các ca viêm não Nhật Bản đã và đang điều trị đều trong tình trạng nặng, có những trường hợp trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn. Đáng lo ngại hơn, không chỉ ở trẻ em, hiện nay đã xuất hiện một số ca viêm não Nhật Bản với tổn thương khá nặng ở người lớn. Các chuyên gia nhận định, đây là điều đáng lo ngại bởi thời điểm hiện tại mới là đầu mùa dịch.
Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh
Được xem là một trong những bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cách phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo kết quả giám sát dịch của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vào những năm 90, virus viêm não Nhật Bản từng “hoành hành” khi chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não. Nhưng đến nay, sau hàng chục năm Việt Nam triển khai tiêm chủng miễn phí cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm chỉ còn 10 - 15%.
Với các trường hợp bệnh nhân đã tiêm 4 mũi vaccine nhưng vẫn mắc viêm não Nhật Bản, các chuyên gia cho biết có nhiều lý do như hệ miễn dịch giảm dần theo thời gian, cơ địa của từng người hay liều tấn công của virus. Đặc biệt, hiệu lực của vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối 100%, trung bình 90 - 95% tùy loại, do đó một số ít trẻ đã tiêm nhưng có thể mắc bệnh. Ở trường hợp này, vaccine chỉ bảo vệ được trong một khoảng thời gian, vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo nên tiêm tiếp mũi nhắc lại, không phải do chất lượng vaccine. Dù vậy, khi đã được tiêm các mũi cơ bản, phần lớn sẽ giảm được mức độ nặng của bệnh, tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn, ít gây biến chứng so với trường hợp chưa tiêm.
Để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả, TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến nghị các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 - 5 năm một lần đến năm 15 tuổi. Chú ý, không được chủ quan, dù đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Nhiều trường hợp các con lớn tuổi vẫn mắc bệnh do phụ huynh nghĩ cho con tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi là an toàn, không cần tiêm mũi nhắc lại, nhưng lầm tưởng này khiến gia tăng số lượng trẻ lớn mắc bệnh.