Rạn nứt vì mạng xã hội
Khi anh Trần Hữu M, ngụ Phan Huy Ích, Gò Vấp tiết lộ lý do vợ chồng ly thân, nhiều người tỏ ra khó tin. Anh M kể, tính anh kín đáo, ít lời, có sử dụng mạng xã hội nhưng chỉ để theo dõi tin tức, thi thoảng tương tác với bạn bè chút cho vui. Vợ anh thì ngược lại, xem mạng xã hội như phần không thể thiếu của cuộc sống. Chị làm gì cũng phải dành thời gian để chụp ảnh, đăng ảnh lên mạng, dẫu là nấu ăn, chăm con, tưới cây, bữa ăn gia đình hay đi chơi với chồng con.
Là người kín đáo nên anh M rất không thoải mái với việc hình ảnh gia đình mình xuất hiện trên mạng xã hội liên tục. Có những hình ảnh khá riêng tư, chị cũng thường đăng lên. Vào trang cá nhân của vợ, đọc được những bình luận của bạn bè vợ, trong đó không ít lời trêu chọc khiến anh thấy khó chịu. Nhiều lần anh góp ý nhưng chị chê anh cổ hủ. Vài tháng trước, chị đăng bức ảnh anh và con đang ngủ, hai cha con cởi trần trên giường, tư thế ngủ khá khiếm nhã. Bức ảnh ấy được bình luận, thậm chí nhiều trang mạng chia sẻ đùa cợt làm anh xấu hổ với mọi người.
Lần ấy, anh đã làm căng với chị, vợ chồng giận nhau suốt một tháng trời. Chị cũng hứa với anh sẽ thay đổi, tiết chế hơn. Nhưng mới vừa rồi, gia đình đi du lịch, chị quay clip hai con đang tắm hồ bơi lên mạng xã hội, đáng nói là có cả cảnh hai cháu bé đang thay quần áo. Anh M rất tức giận vì theo anh, hành động nói trên là không tôn trọng con cái, thậm chí gây nguy hiểm cho con. Sau chuyện này, vợ chồng cãi nhau dữ dội và anh đề nghị ly thân.
Cuộc sống thực ra không hiếm những sự việc như vợ chồng anh M. Với sức hút của mạng xã hội, nhiều người đã trở thành “con nghiện” khi để đời sống của mình lệ thuộc vào mạng xã hội trầm trọng. Không ít người thích “phơi” đời sống riêng tư của gia đình lên mạng như một thú vui, một thói quen, cảm thấy thích thú khi nhận được những like, bình luận, khen ngợi của những người xung quanh.
Có những gia đình, vợ chồng khá “đồng thuận” trong việc “khoe” chuyện nhà lên mạng xã hội. Nhưng cũng có không ít gia đình chỉ một thành viên thích “online”, những thành viên khác thì không. Chính vì thế, hành vi “khoe” hình ảnh, thông tin của cả nhà lên mạng xã hội của một thành viên đã gây sự ức chế, khó chịu, cảm giác không được tôn trọng cho các thành viên khác.
Tôn trọng riêng tư, tôn trọng nhau
Thời gian qua, có không ít sự việc người một nhà lên mạng “bóc phốt” lẫn nhau. Đó có thể là những bài viết cho vui, gây cười. Nhưng cũng có không ít bài viết “vạch trần”, tố tội lẫn nhau. Có chị vợ chụp ảnh chồng say rượu bê tha rồi đăng lên mạng kể khổ.
Có cả trường hợp người chồng đăng ảnh vợ để chê bai ngoại hình vợ mình. Những bài viết, hình ảnh như thế không chỉ gói gọn ở phạm vi trang cá nhân với vài người bạn, mà có thể lan tỏa lên những hội, nhóm có độ tương tác cao, lan tỏa rộng khắp mạng xã hội. Chỉ một bài đăng vô tình rất có thể gây tổn thương nặng nề đến những thành viên trong gia đình.
Mặt khác, khi trào lưu Tiktok “lên ngôi”, không ít người bỗng trở thành “hot Tiktoker” nhờ những clip hài hước, vui nhộn quay “chuyện trong nhà”. Bằng những clip quay nhiều câu chuyện nhỏ trong gia đình, nhiều Tiktoker thu hút được lượng xem khổng lồ, trở nên nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền.
Nhưng trong quá trình phô bày cuộc sống gia đình để kiếm “view” ấy, nhiều người đã vô tình đẩy người thân của mình vào cảnh khó xử khi đời sống riêng tư liên tục bị phơi bày trên mạng, trước công chúng. Nhiều người ở vào thế bị động khi bị bạn đời, người thân biến thành “nhân vật” trong các clip “câu view” như thế. Hành vi tự ý đăng hình ảnh, thông tin người khác, kể cả người thân trong gia đình mà trái với ý muốn của người ấy không chỉ thể hiện sự tự tiện, thiếu tôn trọng nhau, dễ gây sứt mẻ tình cảm gia đình mà còn có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự luật lần này bổ sung thêm những hành vi bạo lực mới, trong đó có quy định về việc không được phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó (trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ).
Có thể ít ai “tố” người thân của mình ra pháp luật vì chuyện đăng ảnh riêng tư trái ý muốn lên mạng. Nhưng một khi luật có quy định rõ ràng sẽ giúp nhiều người ý thức được hành vi sai phạm của mình, tôn trọng đời sống cá nhân của các thành viên trong gia đình hơn.