Thuốc cam là tên gọi dân dã của một bài thuốc dân gian chứa các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được sử dụng cho trẻ nhỏ để trị nóng trong, trị lở loét lưỡi, chống táo bón... và tăng cường sức khỏe cho trẻ. Loại thuốc thảo dược này thường được bào chế dạng bột màu cam, đỏ nên dân gian gọi chung là thuốc cam.
Theo tìm hiểu, hầu hết trẻ ngộ độc chì phải nhập viện đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam” - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống.
Theo các chuyên gia y tế, để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc nam trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để uống, bôi. Khi có bệnh, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng. Đồng thời phải tuân thủ liều lượng theo chỉ định của của nhà sản xuất.
Gia đình cũng cần giữ vệ sinh cá nhân cho bé, thường xuyên rửa tay, lau miệng, cắt móng tay, không để trẻ đưa tay và đồ dùng lên miệng. Hạn chế trẻ để tiếp xúc và sử dụng những đồ chơi không rõ nguồn gốc và giữ cho môi trường sống và sinh hoạt của trẻ sạch sẽ.
Bên cạnh đó, hiện tượng ngộ độc chì cũng một phần do sử dụng những thực phẩm đóng hộp được làm từ chì. Để có thể hạn chế nhiễm độc chì, cần kiểm tra những đồ dùng sinh hoạt như đồ chơi, bát đũa nhựa hay cốc thủy tinh xem có chứa lượng chì vượt mức hay không.
Cũng cần chú ý cải thiện môi trường sống và làm việc để giảm lượng bụi chì hay hợp chất bụi chì xâm nhập cơ thể. Bên cạnh đó, khi mua đồ chơi cho trẻ cần chọn đồ chơi chất lượng, nên tránh những loại sơn màu bắt mắt vì có thể có lượng chì cao.