Quy định này nằm trong bộ chế tài chung đang được Bộ Y tế xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Việc xây dựng và ban hành Nghị định này đang là yêu cầu cấp thiết, góp phần đưa Luật BHYT vào cuộc sống, từng bước tiến tới BHYT toàn dân.
Gây khó khăn, cản trở đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT có thể bị phạt tới 10 triệu đồng |
Dự thảo Nghị định này cũng có vai trò hết sức quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT nói riêng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế nói chung, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 54 Điều quy định về các hành vi VPHC, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt.
7 nhóm hành vi vi phạm
Dự thảo quy định 7 nhóm hành vi vi phạm gồm: 1- Vi phạm các quy định về đóng BHYT; 2- Vi phạm các quy định về thu BHYT; 3- Vi phạm các quy định về cấp, cấp lại, đổi thẻ và sử dụng thẻ BHYT; 4- Vi phạm các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT; 5- Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ BHYT; 6- Vi phạm các quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu về BHYT; 7- Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra, cản trở hoạt động quản lý nhà nước về BHYT.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc quy định 7 nhóm hành vi trên sẽ tạo thuận lợi trong tổ chức triển khai. Các hành vi được rà soát theo trình tự các lĩnh vực liên quan đến BHYT và được thống nhất với các điều trong Luật BHYT. Đồng thời, các hành vi được tổng hợp đầy đủ, không bị trùng lặp hành vi đối với các nhóm đối tượng vì một hành vi có thể xuất hiện ở nhiều bên liên quan đến BHYT.
Các hành vi vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, ngoài ra có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Dự thảo cũng nêu rõ, đối với các trường hợp tái phạm thì mức phạt tiền sẽ áp dụng theo mức tối đa của khung phạt đối với từng hành vi vi phạm.
Không đóng BHYT cho người lao động bị phạt từ 0,5-2,5 triệu đồng/người lao động
Dự thảo quy định rõ, người sử dụng lao động không đóng BHYT cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 0,5-2,5 triệu đồng đối với mỗi người lao động.
Trường hợp đóng BHYT không đủ số người tham gia BHYT sẽ bị phạt từ 0,3-1 triệu đồng/1 NLĐ. Còn nếu đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng thì mức phạt sẽ từ 0,3-20 triệu đồng tùy theo giá trị vi phạm.
Theo dự thảo, sẽ cảnh cáo đối với trường hợp cấp thẻ BHYT chậm dưới 10 ngày làm việc so với thời gian quy định. Nếu chậm từ 10 ngày làm việc trở lên sẽ bị phạt tiền từ 0,3-10 triệu đồng tùy thuộc vào số thẻ chậm cấp.
Phạt đến 2,5 triệu đồng nếu sử dụng thẻ BHYT của người khác trong KCB
Dự thảo nêu rõ, nếu tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT để sử dụng trong khám chữa bệnh BHYT sẽ bị phạt từ 0,3-dưới 1 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ KCB BHYT; phạt từ 1-2,5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm gây thiệt hại quỹ BHYT.
Đồng thời, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh cũng sẽ bị phạt từ 0,3-2,5 triệu đồng.
Mức phạt cao tới 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh. Còn nếu kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng thì mức phạt cũng tới 20 triệu đồng.
Đặc biệt, dự thảo nêu rõ, nếu gây khó khăn, cản trở đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhưng chưa làm thiệt hại đối với người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, quỹ BHYT thì sẽ bị cảnh cáo. Trường hợp đã gây thiệt hại thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 0,3-10 triệu đồng.
Nguồn: Chinhphu.vn