Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng: Cơ quan THADS, Chấp hành viên chỉ thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi pháp luật có quy định hoặc đương sự có yêu cầu. Vì vậy, cơ quan THADS chỉ thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có một trong hai điều kiện hoặc có cả hai điều kiện nêu trên. Căn cứ pháp lý của quan điểm này dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật THADS.
Còn quan điểm thứ hai cho rằng, ngoài hai trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật THADS thì còn cần phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi đương sự vắng mặt tại địa phương. Cơ sở pháp lý của quan điểm này là theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 43 của Luật THADS. Cụ thể, khoản 1 Điều 43 xác định rõ những trường hợp nào cần phải thông báo; khoản 2 Điều 43 là quy phạm về thủ tục thông báo. Khi có một hoặc hai điều kiện nêu trong khoản 1 Điều 43 thì cơ quan THADS phải áp dụng khoản 2 Điều 43 Luật THADS để xác định thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại ở địa phương hoặc Trung ương cho phù hợp. Trường hợp đương sự vắng mặt tại địa phương không phải là điều kiện yêu cầu phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, cách hiểu theo quan điểm thứ nhất là chính xác.
Về phương thức thực hiện, Điều 43 Luật THADS quy định cụ thể: Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 2 ngày liên tiếp. Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 2 ngày liên tiếp.
Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ. Ngoài ra, việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo khoản 2 Điều 43 Luật THADS đồng thời còn có thể được công khai trên trang điện tử của Cục THADS, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp (khoản 5 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Việc quy định hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là rất tiến bộ và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung các quy định rõ ràng hơn về phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng bao gồm những loại hình nào, ví dụ: là báo in hay báo điện tử…
Về chi phí khi đương sự yêu cầu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là khi người được thi hành án yêu cầu, tại Điều 73 Luật THADS và Thông tư số 200/2016/TT-BTC đã có quy định về việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS, kinh phí cưỡng chế thi hành án. Theo đó, người được thi hành án chịu các chi phí sau: Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá; một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ; chi phí kê biên, xử lý tài sản quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.
Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó. Luật không quy định về khoản chi phí khi người được thi hành án yêu cầu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, dẫn đến các cơ quan THADS còn nhiều lúng túng khi thực hiện thu các khoản tiền này, do đó đây cũng là một vấn đề cần xem xét bổ sung trong thời gian tới.