Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống thiên tai, các giải pháp đã thực hiện thời gian qua.
Qua nghiên cứu và thực tế, một số đại biểu cho rằng, còn một số tồn tại, bất cập khi tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai. Đơn cử Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ (ban hành Quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai) không quy định tỷ lệ 40% được trích lại cho các quận, huyện như Nghị định số 50/NĐ-CP nên khi có thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện không còn chủ động chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời như trước đây.
Đồng thời, chưa quy định mẫu biểu hướng dẫn về phê duyệt quyết toán, mẫu biểu báo cáo tài chính hàng năm, không quy định chế độ kế toán áp dụng đối với quỹ từ đó gây khó khăn cho công tác hạch toán kế toán thu, chi quỹ và lập báo cáo quyết toán quỹ hàng năm, cũng như công tác quản lý quỹ.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, qua thực tiễn triển khai cho thấy địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách. Trên thực trạng tình hình sạt lở đã và đang diễn ra phức tạp trên địa bàn TP, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Các ban, ngành cần quan tâm đến công tác tổ chức phòng chống sạt lở, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.