Trước đó, bệnh nhân Đặng Văn M. (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) có dấu hiệu đau quằn quại, dữ dội ở vùng ngực kèm theo từng đợt nôn ói, vật vã. Tình trạng bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm (tần số 30 lần/phút), block nhĩ thất hoàn toàn, choáng tim.
Được đánh giá là một trường hợp bệnh lý nặng, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức và Nội tim mạch – Lão học cùng nhau hội chẩn. Trong khoảng thời gian gần như chỉ được tính bằng phút, ê kíp đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân, chạy đua với “cơn nguy kịch” đang gần kề.
Bệnh nhân được sử dụng thuốc hồi sức để nâng huyết áp trước khi can thiệp mạch vành. Mọi thao tác phối hợp giữa các bác sĩ gần như nhịp nhàng. Ống thông được cài vào lỗ động mạch vành, hình ảnh trên màn hình thể hiện rõ bệnh nhân bị tắc nhánh động mạch vành mũ ưu thế (LCx) do nhiều huyết khối. Quá trình cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nhịp chậm nên ê kíp đã đặt máy tạo nhịp tạm thời. Thêm 2 phút nữa, nhịp tim bệnh nhân dần tạm ổn.
Sau 30 phút, tình trạng bệnh nhân đã khá lên, vị trí nhánh bị tắc dòng máu được lưu thông, huyết áp ổn định trở lại, chức năng tim dần cải thiện. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân được đưa ra khỏi khu chăm sóc đặc biệt.
Nằm ở phòng chờ, đợi con làm thủ tục xuất viện, ông M. cảm giác giống như mình đã đi một vòng “cửa tử”. Sau một tuần nằm viện, cơn khó thở vì suy tim đã không còn đe dọa ông. Thay vào đó là niềm vui hiện rõ trên gương mặt cùng lời cảm ơn chân thành dành cho những thầy thuốc đã cứu mình. “Khi đang ở nhà, bất ngờ tôi bị khó thở, ở ngực giống như có vật gì đó đè lên, mệt dữ lắm, thở không được. Trước giờ tôi chưa từng bị như vậy. Con cái trong nhà hốt hoảng chở tôi đến bệnh viện”, ông M. chia sẻ.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Việc chạy đua với thời gian trong cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng bệnh nhân.
ThS.BS Đoàn Thanh Tuấn – Khoa Nội tim mạch – Lão học chia sẻ: “Ngoài việc được tăng cường cấp cứu tại chỗ, theo dõi sát và sẵn sàng xử lý các biến chứng, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị xin lệnh Ban Giám đốc cứu người trước khi người nhà hoàn thành các thủ tục viện phí”.
Một ca cấp cứu tim mạch chỉ được gọi là thành công khi cứu sống được bệnh nhân và đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sau khi xuất viện. Mấu chốt thành công trong cứu chữa ca bệnh này là kinh nghiệm trong việc nắm bắt và khả năng phán đoán chính xác, xử lý tình huống trong khoảng thời gian hẹp. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ gây mê và các bác sĩ can thiệp cũng như ê kíp chăm sóc, hồi sức cho người bệnh sau can thiệp.
Theo đó, Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: “Nếu có dấu hiệu đau ngực bất thường bệnh nhân nên đến bệnh viện nơi gần nhất để được khám và chẩn đoán kịp thời, bởi với bệnh lý động mạch vành thì thời gian cấp cứu là vàng”.
Can thiệp mạch vành là một kỹ thuật cao, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng luồn vào lòng mạch tới vị trí mạch máu bị tắc, hẹp làm khôi phục dòng chảy trong mạch máu. Nhờ vậy kỹ thuật can thiệp động mạch vành đã thay thế cho nhiều phẫu thuật mổ hở phức tạp trước đây. Thủ thuật này ít xâm lấn, vì vậy giai đoạn hậu phẫu bệnh nhân trải qua tương đối nhẹ nhàng. Tốc độ phục hồi sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống.