Vì sao sách audio bám rễ trên youtube?
Trước đây, audio phát triển trên nền tảng các website, ứng dụng chuyên về sách nói và đi khá chậm. Từ khi có youtube, sách audio hầu hết được “bê” lên youtube bởi tính chất có thể kiếm tiền một cách rõ ràng, dễ dàng của nó.
Khác với website, youtube đem lại cho người làm sách nói 2 thứ mà họ mong muốn: Đó là thu nhập thực tế và thương hiệu cá nhân. Youtube hiện nay đã là kênh giải trí rất nổi tiếng với lượng người dùng xấp xỉ 2 tỉ trên toàn thế giới. Với dữ liệu người dùng khổng lổ như thế, youtube không cần phải đi tìm kiếm khách hàng, mà khách hàng tự đến với họ để được quảng cáo.
Các tác giả, chủ kênh trên youtube được trả tiền trực tiếp dựa vào lượt xem trên kênh của mình. Điều này thu hút một lượng lớn tác giả làm sách nói, hoặc thu âm sách của người khác để kiếm tiền trên youtube.
Cạnh đó, nếu như việc tìm kiếm sách nói trên các website hay ứng dụng thường dựa vào uy tín website, vào nhu cầu của người đọc hay độ nổi tiếng của quyển sách thì ngược lại, youtube giúp cho người thực hiện sách tạo dựng được thương hiệu cá nhân. Nghĩa là, với kênh riêng của mình, người dùng có thể thu hút người đọc (nghe) bằng nội dung hay, cách tương tác tốt, bằng giọng đọc hấp dẫn.
Nói một cách khác, mỗi một kênh như thế tạo được giá trị thương hiệu riêng, có sức thu hút người đọc. Với khả năng hiển thị hình ảnh, youtube không chỉ giúp người thực hiện sách nói tạo ra một file âm thanh để người dùng nghe, mà ở đó, nhiều người làm sách nói trở thành “người kể chuyện”, trực tiếp xuất hiện, đọc trước màn hình, tương tác với người nghe.
Điều này cũng làm tăng cảm giác mới lạ, chân thật, hút người dùng và giúp người thực hiện sách có thể “nổi tiếng” tùy theo độ thu hút của bản thân.
Hiện nay, youtube đúng nghĩa là một “kho” sách nói khổng lồ với việc “tiếng nói hóa” các tác phẩm truyền thống từ kinh điển đến hiện đại, từ văn chương đến kinh tế, phong cách sống. Rồi tất tần tật các thể loại từ kiếm hiệp đến trinh thám, ngôn tình… đáp ứng nhu cầu người đọc. Bên cạnh đó, nó cũng là nơi để nhiều người thỏa năng khiếu sáng tác khi các tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn… chưa bao giờ xuất bản được thực hiện thành sách nói, tiếp cận độc giả thông qua youtube.
Ẩn chứa nhiều mầm độc
Khả năng kiếm tiền là một “mồi câu” đầy mạnh mẽ từ phía youtube, khiến cho nguồn dữ liệu sách nói của youtube ngày một trở nên khổng lồ hơn. Nhưng, mặt trái của nó chính là người làm sách trên youtube, một khi chú trọng đồng tiền sẽ không còn quan trọng đến chất lượng nữa.
Phải nhìn nhận, kho sách truyền thống được “audio hóa” trên youtube là nguồn sách nói lớn, hữu ích. Nhưng cạnh đó, về các tác phẩm tự thực hiện, tự sáng tác bởi hàng ngàn, hàng trăm ngàn tác giả có và không có tên tuổi thì tồn tại không ít vấn đề.
Dạo một vòng quanh các audio có lượng xem cao ngất, người dùng không khỏi giật mình khi trong số đó, chiếm ưu thế là những tựa sách giật gân, thậm chí phản cảm: “Một đêm với chị dâu”, “Mua bán thân xác”, “Đêm hoan lạc khó quên”… Cạnh đó, còn có những tựa sách kinh dị, đẫm máu, mang tính “câu view” rõ ràng: “Bữa tiệc ma”, “Oan hồn quỷ nữ”, “Bóng ma nhuộm máu”…
Điều đáng nói là không chỉ có một mà rất nhiều kênh sách nói làm những nội dung tương tự như thế. Không ít trong số đó có lượng truy cập cao nhất. Ví dụ, kênh có tên “Kênh chuyện tình…” với hàng loạt audio mà nội dung không ít cảnh tình dục, éo le, chuyện quan hệ đồng tính, thậm chí những mối quan hệ rối loạn trong gia đình… nhưng có đến vài trăm ngàn người đăng kí, mỗi clip có hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Cùng với đó là không ít lời bình luận tục tĩu, lời chào mời, số điện thoại của… các chân dài làm nghề mại dâm.
Đáng buồn là con số audio dạng này vừa nhiều, lượt xem vừa vượt trội so với những dòng sách hay, có giá trị khác. Đó có lẽ cũng là lý do khiến nhiều người lựa chọn thực hiện thể loại sách đầy tính giật gân, kém giá trị này.
Bởi, một thống kê sơ bộ, hàng tháng, con số mà những người làm sách nói của các trang giật gân có hàng trăm triệu người theo dõi có thể lên đến vài chục, hàng trăm triệu đồng. Khi ấy, người thực hiện sách nói thực ra chỉ đơn thuần là người làm kinh doanh, chạy theo nhu cầu của người nghe, bất chấp sản phẩm mình tạo ra chỉ là một thứ rác văn hóa.
Bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Công ty phát hành sách AnBooks: Thế kỷ 21 sẽ là cơ hội của sách giấy
Sách truyền thống có cái “duyên” của nó. Thực ra thì việc ngồi xuống đọc một cuốn sách bao hàm cả việc dành thời gian cho đời sống tinh thần, tâm hồn của một con người. Những lúc ấy họ không muốn cầm một thiết bị điện tử đâu dù có thể nó tiện hơn nhiều. Những người đọc sách giấy là những người nâng niu tâm hồn của mình.
Cảm giác chạm vào sách giấy và để chúng lên tủ, kệ sách, viết những dòng chữ để tặng người mình thương, rồi người được thương lại tặng cuốn sách ấy cho những người thương khác. Đó là đạo rồi, mà đạo thì đâu thể mất.
Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ bị dẫn dắt bởi dữ liệu và con người - như một bản năng sinh tồn, sẽ bằng cách nào đó mà tìm đường quay về với những gì cơ bản nhất, tự nhiên nhất, thô ráp nhất. Tôi nghĩ đó là cơ hội của sách giấy, đặc biệt là dòng sách giấy đạt đến trình độ thẩm mỹ cao.
Như vậy, cũng có nghĩa là người làm sách phải nỗ lực nâng mình lên một trình độ thẩm mỹ khác, mới có thể hút người đọc về phía mình. Và phải cho sách những “số phận” mới, với cách làm mới.
Cạnh đó, tôi nghĩ người làm sách còn cần phải vinh danh độc giả, những người đang âm thầm nuôi dưỡng ngành sách. Thực sự trong lớp độc giả qua nhiều đời, có rất nhiều độc giả góp công rất lớn cho ngành trong thầm lặng.
Những người đã mang tiền nhà đi mua sách để tặng, quyên góp, những người vì thích tinh thần và thông điệp của một cuốn sách mà dùng cuốn sách đó để làm thay đổi cuộc đời của những người mà mình đem tặng, nếu đủ “duyên”.
Ngành sách phải nỗ lực hơn nữa để nhìn thấy độc giả của mình đang làm gì với sản phẩm của mình. Cần sử dụng công nghệ để tương tác, hiểu và tạo sân chơi cho độc giả của mình thông qua sách giấy. N.M