Cẩn thận khi vào mùa sốt xuất huyết

Điều trị cho trẻ bị sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh.
Điều trị cho trẻ bị sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết hoành hành tại TP HCM, trong đó có không ít ca tăng nặng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần có những biện pháp phòng và tránh căn bệnh theo mùa này.

Số ca sốt xuất huyết tăng đột biến

Có con trai 8 tuổi đang nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, chị Phan Thị Như Thảo, ngụ quận 9, TP HCM cho biết, ban đầu con trai mệt, đau nhức toàn thân và phát sốt, gia đình cứ ngỡ cháu bị sốt viêm họng như nhiều lần trước nên ra cửa hàng thuốc tây mua thuốc cảm và thuốc hạ sốt. Cho cháu uống hết liều trong 3 ngày nhưng không có dấu hiệu hạ sốt mà còn tăng nặng hơn. Đến rạng sáng ngày thứ 4, cháu sốt cao, mê man, cả nhà mới vội vàng đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng, sau đó có kết quả xét nghiệm mới biết cháu bị sốt xuất huyết. “May mắn là còn đưa vào cấp cứu kịp thời, nếu để thêm một thời gian nữa, cháu sốt cao liên tục sẽ biến chứng rất nguy hiểm. Các bác sĩ cũng đã khuyến cáo gia đình tôi từ nay nếu trong nhà có người có dấu hiệu sốt thì phải đi khám chứ không được tự chẩn đoán rồi đi mua thuốc bên ngoài uống, sẽ nguy hiểm cho sức khoẻ”, chị Thảo chia sẻ. Theo chị Thảo, thời gian gần đây khu vực TP HCM mưa nhiều, nhà chị lại gần con kênh nên muỗi rất nhiều. Do chủ quan, chưa kịp tiến hành các biện pháp diệt muỗi bảo vệ gia đình nên con chị mới bị muỗi đốt gây sốt xuất huyết.

Theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1), năm nay mùa mưa đến sớm, số ca sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm 2021 và chu kỳ 3 - 4 năm dịch sốt xuất huyết sẽ tăng, nên năm nay phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết khi vào mùa mưa.

PGS-TS Phạm Văn Quang cho biết thêm, trong 3 tháng đầu năm, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện Nhi đồng 1 tăng 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng, nhất là các trường hợp sốt xuất huyết nặng. Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện đã có 2.554 ca đến khám, 852 ca nhập viện và 157 ca sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện. Đã có 5 ca sốt xuất huyết tử vong khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, trong đó 4 ca ở các tỉnh và 1 ca ở TP HCM. “Các trường hợp nặng đa số do nhập viện trễ. Có thể do dịch COVID-19 mà người dân quên đi sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm thường gặp. Ngoài ra tâm lý còn sợ COVID-19 nên các phụ huynh ngại đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện”, ông Quang cho biết.

Tính đến giữa tháng 4, TP HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. TP ghi nhận các quận, huyện có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm: quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Trước tình hình gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP khẩn trương triển khai tập huấn lại về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.

UBND TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống ngành Y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn TP chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ.

Ngành Y tế TP HCM tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp.

PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, ông Trung dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành Y tế TP HCM cần hành động ngay với mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Minh họa về con đường nhiễm bệnh sốt xuất huyết.

Minh họa về con đường nhiễm bệnh sốt xuất huyết.

Cẩn thận biến chứng, đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh

Sốt xuất huyết thực tế không phải là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu như kịp thời phát hiện và điều trị đúng hướng.

Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết khá đa dạng, có thể từ nhẹ cho đến nặng. Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân nếu không có phương pháp điều trị kịp thời. Có thể chỉ ra các giai đoạn của sốt xuất huyết thành 2 giai đoạn: Giai đoạn sốt, Giai đoạn nguy hiểm và Giai đoạn phục hồi.

Trong đó, giai đoạn sốt diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu với các triệu chứng như đột nhiên bị sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C, nôn mửa, chán ăn, đau hốc mắt, đau khớp cơ, xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da.

Giai đoạn nguy hiểm xảy ra ở ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Bệnh nhân có xu hướng giảm sốt hoặc hết sốt và rất nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sốt xuất huyết thì đây là lúc bệnh mới bắt đầu thể hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Lúc này, các vết phát ban nổi dần, nhiều lên từ nhẹ tới nặng, cảm thấy ngứa ngáy. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, hoặc chảy máu lợi, xuất huyết đường tiêu hoá như đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen, nôn mửa ra máu tươi hoặc cục máu đông, li bì, vật vã, đau đầu dữ dội...

Ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân có thể xuất huyết trong ổ bụng hoặc xuất huyết não gây nguy hiểm tới tính mạng. Xuất hiện những triệu chứng này, cần khẩn trương đưa người nhà đến bệnh viện cấp cứu.

Trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường biểu hiện nặng như dễ bị sốc hoặc tái sốc hơn so với người lớn. Nếu trẻ em đã dần hết sốt vào ngày thứ 4 và không kèm theo biểu hiện nào khác thì có nghĩa là sốt xuất huyết đã bắt đầu thuyên giảm, nhưng vẫn cần theo dõi tiếp.

Theo khuyến cáo của PGS-TS Phạm Văn Quang, trường hợp trẻ em bị bệnh nhẹ có thể chăm sóc ở nhà với phương pháp như sau: Cho uống thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt, không dùng hạ sốt ibuprofen do nguy cơ xuất huyết dạ dày trên bệnh sốt xuất huyết. Uống nhiều nước. Tái khám mỗi ngày theo y lệnh bác sĩ. Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tay chân mát, tiểu ít, xuất huyết tiêu hóa...

PGS-TS Phạm Văn Quang cũng lưu ý, không nên truyền dịch tại nhà hoặc các phòng khám tư vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc quá tải dịch khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng, tăng biến chứng và khó khăn cho công tác điều trị tại bệnh viện.

Quan trọng nhất, để tránh dẫn đến sốt xuất huyết, các gia đình cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả ngay từ lúc này. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân cần loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy như vệ sinh sạch sẽ lu, vại, hồ, thau chứa nước... Đậy nắp kín các thùng chứa nước, cũng như thường xuyên dọn dẹp, phát quang cây cối, bụi rậm chung quanh nhà, xử lý rác thải sạch sẽ. Ngoài ra, sử dụng dụng cụ diệt muỗi, đuổi muỗi, mặc áo dài tay và ngủ mùng nhằm phòng tránh muỗi đốt gây sốt xuất huyết.

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.