Cần tăng tốc tiến độ dự án hơn 8.000 tỷ mở rộng QL6

Dự án không biết khi nào thực hiện xong, trong khi hiện nay mặt đường QL6 đoạn qua Hà Đông Xuống cấp, cuộc sống người dân hai bên đường gặp khó khăn
Dự án không biết khi nào thực hiện xong, trong khi hiện nay mặt đường QL6 đoạn qua Hà Đông Xuống cấp, cuộc sống người dân hai bên đường gặp khó khăn
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau lễ khởi công rầm rộ vào cuối tháng 12 năm ngoái, hiện nay, dự án mở rộng QL6 đoạn Ba La – Xuân Mai (Hà Nội) tỏ ra khá im ắng. Đây là đoạn đường cửa ngõ Thủ đô, mật độ giao thông cao, đường đang ngày càng xuống cấp, rất cần thực hiện dứt điểm dự án này.

Khởi công xong dự án im ắng

Thông thường, tại các dự án giao thông nghìn tỷ, sau khi được khởi công, máy móc thiết bị sẽ được huy động rầm rộ để thực hiện dự án. Điển hình, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 sau khi được khởi công vào ngày đầu năm 1/1/2023, máy móc, thiết bị, nhân lực đã được huy động ngay đến công trường; nhiều mũi thi công sẵn sàng làm việc ba ca để sớm đưa dự án về đích.

Mới đây, khi tham gia khởi công dự án giao thông hơn 4.000 tỷ tại Hoà Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng có tình trạng một số dự án sau khi khởi công rầm rộ, hoành tráng lại chuyển máy móc, con người đi nơi khác; điều này cần phải tránh.

Phải chăng, dự án mở rộng QL6 đoạn Ba la – Xuân Mai có thể bị rơi vào tình trạng này? Dự án mở rộng QL6 được khởi công ngày 3/12/2022 rất rầm rộ. Thế nhưng hiện nay, theo quan sát, dự án này đang khá im ắng.

Còn nhớ ngày khởi công, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với QL21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Khi dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Ngoài ra, tuyến đường còn có chức năng tăng cường liên kết, giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và nước bạn Lào.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng tuyến đường chỉ kéo dài 20km, cần tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, không thể chậm trễ. Để sớm đưa dự án về đích, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Khối lượng công việc của dự án là rất lớn. Cụ thể, giải phóng mặt bằng khoảng 115 ha (quận Hà Đông 30 ha; huyện Chương Mỹ 85 ha); tái định cư hơn 990 hộ (quận Hà Đông 330 hộ, huyện Chương Mỹ 660 hộ); di chuyển nhiều đường dây điện lực, thông tin, hệ thống ống cấp, thoát nước và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật.

Người dân mong muốn dự án sớm được triển khai, đưa vào sử dụng

Người dân mong muốn dự án sớm được triển khai, đưa vào sử dụng

Cần “tăng tốc” dự án

Theo khảo sát của phóng viên PLVN, hiện nay đoạn đường Ba La - Xuân Mai đã xuống cấp khá nghiêm trọng, mặt đường nhiều đoạn lồi lõm. Là đường cửa ngõ Thủ đô kết nối Hà Nội với các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, nhưng mặt đường khá nhỏ, trong khi lưu lượng xe cộ rất đông đúc nên đoạn đường này thường xuyên xảy ra ách tắc, là nỗi ám ảnh của nhiều tài xế mỗi khi đi qua đây, nhất là giờ cao điểm. Đây cũng là đoạn đường cửa ngõ Thủ đô duy nhất kết nối với các tỉnh và vùng miền khác không phải đường cao tốc.

Đặc biệt, theo quan sát, khu vực vỉa hè đoạn qua quận Hà Đông nhiều nơi không được lát đá, bê tông mà toàn bụi đất. Không chỉ tài xế khổ sở mỗi khi đi qua đoạn này mà người dân hai bên đường sinh sống rất bất tiện, vừa phải chịu bụi bẩn, vừa không thể kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. “Chúng tôi mong sao dự án sớm được triển khai để gia đình có kế hoạch kinh doanh, buôn bán, ổn định đời sống”, một người dân ở ven đường đoạn qua địa phận Hà Đông cho biết.

Một khu tái định cư của dự án chưa hoàn thiện

Một khu tái định cư của dự án chưa hoàn thiện

Quan sát tại một khu tái định cư của dự án ngay gần QL6 thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, chỉ có một chiếc máy xúc và vài công nhân đang làm việc, không biết khi nào khu tái định cư mới xây xong. Người dân ven đường QL6 đoạn này cho biết, họ chưa nhận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. “Mới chỉ thấy có vài người đến đo đạc rồi đi về, người dân chưa biết bảng giá thu hồi đất, cũng chưa biết khi nào đường mới làm”, một người dân phản ánh và cho biết, họ mong ngóng dự án này từ lâu, chỉ mong sao dự án sớm hoàn thành để họ ổn định lại cuộc sống.

Trao đổi với PLVN qua điện thoại, ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội cho biết, tiến độ dự án phụ thuộc lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng do quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ thực hiện. “Hiện nay dự án mới chỉ làm một chút ở đoạn gần Khu công nghiệp Phú Nghĩa”, ông Cường nói và cho biết còn đoạn khu vực Hà Đông chắc sẽ “còn lâu” mới được thực hiện.

Theo tìm hiểu của PLVN, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội trong thời gian tới còn rất nhiều dự án trọng điểm khác phải làm như dự án Vành đai 4 Thủ đô, dự án cầu Cát Thượng và hàng chục dự án giao thông quan trọng khác. Bởi vậy, nếu dự án mở rộng QL6 không được các đơn vị sớm đẩy nhanh thì nguy cơ dự án chậm tiến độ là hiện hữu.

Đọc thêm

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Dự án sân bay Long Thành: Đề xuất dùng nguồn tiết kiệm làm đường cất hạ cánh thứ 2

Dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng. (Ảnh: Thiên Phúc)
(PLVN) - Ngày 15/11, TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã đề xuất dùng tiền tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ACV cho rằng nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3 của dự án góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Tàu SE7 trật bánh khi qua Hà Tĩnh

Tàu SE7 trật bánh khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV
(PLVN) - Tàu SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hành khách đã được di chuyển bằng ô tô đến ga mới để tiếp tục hành trình.

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng
(PLVN) - Hai công ty xe điện hoạt động ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều vi phạm chiếm tỷ lệ 61,33% trên tổng số đầu xe đang hoạt động trên địa bàn. Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị ngừng gia hạn và cấp mới loại hình xe điện đối với 2 công ty này.

Dự án sân bay Long Thành: Đường cất, hạ cánh dự kiến sẽ vượt tiến độ 3 tháng

Sân bay Long Thành sẽ có thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS/DME đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hàng không. (Ảnh: Phan Trang)
(PLVN) - TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT về tiến độ triển khai dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.