Khoản 2 điều 32 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp (đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân) quy định: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Ở đây chúng tôi muốn bàn về quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”.
Trước hết về mặt thuật ngữ, quy định trên rất dễ bị hiểu nhầm. Vì tội phạm là một khái niệm được quy định trong Bộ luật Hình sự, ví dụ: tội trộm cắp tài sản; tội vu khống; tội nhận hối lộ... Do đó người ta có thể hiểu là nếu một người đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản thì người đó có thể vẫn bị kết án vì tội này nếu anh ta tái phạm. Vì vậy để cho người dân dễ hiểu hơn thì quy định này nên viết là: “Không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội”.
Mặt khác chúng tôi cho rằng việc không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội gần như là một điều hiển nhiên. Việc vi phạm quy định này hầu như không xảy ra trên thực tế. Các hiến pháp trước đây cũng không quy định. Do đó quy định này chỉ nên quy định trong Bộ luật Hình sự mà không cần thiết phải đưa vào Hiến pháp.
Trong khi đó, chúng tôi thấy có một quy định mang tính nguyên tắc rất quan trọng nhằm đảm bảo cho việc chống oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cần phải đưa vào trong Hiến pháp. Đó là quy định: “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” tại khoản 2 điều 32 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và bổ sung vào điều khoản này như sau:
“Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Việc bổ sung quy định nói trên vào trong Hiến pháp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện một yêu cầu hết sức quan trọng của một nề Tư pháp “vì dân” là: Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Nguyễn Cường