Theo quy định, cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án trong 3 trường hợp: Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định, bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự; cơ quan THADS được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Còn theo Khoản 5 Điều 31 Luật THADS, cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án nếu thuộc một trong các trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án trong trường hợp tiếp nhận yêu cầu bằng việc nhận đơn yêu cầu qua đường bưu điện hoặc nhận trực tiếp hoặc đương sự trực tiếp đến cơ quan thi hành án yêu cầu THADS.
Trường hợp tiếp nhận yêu cầu THADS thông qua hỗ trợ trực tiếp thi hành án thì thực hiện theo Quy trình hỗ trợ trực tuyến THADS ban hành kèm theo Quyết định số 536/QĐ-TCTHADS ngày 11/5/2017 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS. Công chức hỗ trợ trực tuyến kiểm tra về quyền của người yêu cầu thi hành án, nội dung yêu cầu thi hành án, thẩm quyền yêu cầu thi hành án, các giấy tờ kèm theo đúng quy định.
Quá trình này, công chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ trực tuyến thi hành án thông tin cho đương sự bằng email phản hồi về quyền, nghĩa vụ thi hành án của họ theo nội dung bản án, quyết định một cách chính xác. Trường hợp người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án thì thông báo rõ cho họ về việc từ chối tiếp nhận yêu cầu thi hành án. Trường hợp cơ quan THADS nơi nhận không có thẩm quyền thi hành án thì thông báo cho đương sự là không có thẩm quyền và hướng dẫn họ yêu cầu thi hành án tại cơ quan THADS có thẩm quyền giải quyết vụ việc của họ.
Liên quan đến nội dung này, Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định rõ. Ngoài ra, để hướng dẫn điểm a Khoản 5 Điều 31 Luật THADS liên quan đến trường hợp bản án quyết định của Tòa án làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự, tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành”.
Như vậy, với quy định hiện hành thì phải đồng thời đáp ứng 2 điều kiện: bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành. Trên thực tế, nhiều vụ việc chỉ cần một tiêu chí “không xác định được người phải thi hành án” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải thi hành án” là đã không tổ chức thi hành án được. Do đó, đây là một trong những khó khăn vướng mắc mà cơ quan THADS gặp phải trong thực tế.
Ví dụ như: giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp nuôi dưỡng; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động của người không trực tiếp nuôi dưỡng… Những nội dung trên tập trung nhiều ở các bản án hôn nhân gia đình, án thừa kế. Do đó, một số ý kiến cho rằng các trường hợp mặc dù chưa rõ người phải thi hành án nhưng nhưng đã rõ nghĩa vụ phải thi hành án (đã rõ quyền của người được thi hành án) thì không từ chối thi hành án, cơ quan THADS vẫn cần chấp nhận yêu cầu thi hành án.
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS khi trong bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án. Việc sửa đổi như vậy sẽ làm rõ hơn, đầy đủ và chi tiết hơn về thủ tục THADS và khả quan trong thực tế.