Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS nêu rõ, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án, cần phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành theo đúng tinh thần nguyên tắc hiến định mà nhiều bản Hiến pháp ở nước ta đã quy định. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã được thực hiện từ khi có Tòa án hành chính ở nước ta, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996.
Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) năm 2015, thay thế Luật TTHC năm 2010, trong đó dành riêng một Chương quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Ông Lực khẳng định, những văn bản pháp luật trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THAHC ở nước ta trong những năm qua. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, công tác THAHC hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Trong bối cảnh Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều cuộc khảo sát, trao đổi thảo luận trong các cơ quan nhà nước cũng như giới chuyên gia về việc cần có một Luật THAHC riêng bên cạnh Luật TTHC để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ với các Luật khác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho công tác THAHC.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành và tình hình thực thi các quy định pháp luật về THAHC ở nước ta hiện nay, bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS đề xuất, từ nay đến năm 2020 cần thiết xây dựng Luật THAHC trên cơ sở hệ thống hóa những quy định hiện hành về THAHC ở Việt Nam. Theo đó, Luật này sẽ có những nội dung cơ bản gồm: quy định chung; thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC; xử lý trách nhiệm trong THAHC; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án.
Theo đại diện đến từ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC, từ khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, số lượng vụ án hành chính đã tăng mạnh nhưng so với tình hình khiếu nại hành chính thì số lượng khởi kiện vụ án hành chính còn thấp. Người dân còn gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền khởi kiện và yêu cầu khởi kiện, đặc biệt là việc chứng minh hành vi hành chính trái pháp luật gây ra. Tâm lý “con kiến kiện củ khoai” vẫn còn phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người dân nên họ thường tìm cách thức giải quyết khác hoặc từ bỏ quyền lợi của mình. Mặc dù Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về THAHC nhưng kết quả THAHC còn chậm, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các phán quyết của Tòa án.
Do vậy, trước mắt, cần hướng dẫn thống nhất một số quy định còn vướng mắc, đồng thời tiếp tục đổi mới nhận thức nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính và hoàn thiện pháp luật TTHC, pháp luật liên quan đến giải quyết các vụ án hành chính, ban hành; tăng cường năng lực xét xử của đội ngũ thẩm phán hành chính thông qua tập huấn, hội thảo trao đổi nghiệp vụ chuyên đề, nâng cao hiệu quả của công tác THAHC.
Còn đại diện VKSNDTC đánh giá, thực trạng THAHC hiện nay còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc, số lượng các bản án, quyết định hành chính liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp chưa được thi hành vẫn còn lớn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do các quy định liên quan đến THAHC mới chỉ ở tầm dưới Luật. Do vậy, thời gian tới, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa sự phối hợp, thông tin thường xuyên hơn nữa giữa Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án để kịp thời nắm bắt, tham mưu, đề xuất các hướng xử lý kịp thời.