Một tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá
Cách đây chưa lâu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có thông báo về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS để bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình vật kiến trúc trên đất tại ô đất ký hiệu HH1, phường Hoàng Văn Thụ và phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Với khu đất đấu giá có tổng diện tích là 1.626 m2, được định giá khởi điểm lên tới 234,6 tỷ đồng, Vietinbank đưa ra tiêu chí lựa chọn theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS khá chặt chẽ.
Cụ thể là: Có cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; Có năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS: có số năm hoạt động từ 3 năm trở lên; Mức thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp; Có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố…
Như vậy, có thể thấy việc có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố là một trong những tiêu chí lựa chọn tổ chức bán ĐGTS không chỉ được Vietinbank mà còn rất nhiều tổ chức/cá nhân có tài sản cần bán, nhất là tài sản có giá trị cao, quan tâm chú trọng
Triển khai quy định này, vừa qua Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Quyết định về việc công bố danh sách tổ chức ĐGTS để chuẩn hóa quy trình lập, công bố danh sách tổ chức đấu giá thực hiện thống nhất trong cả nước. Theo đó, dự thảo Quyết định dự kiến quy định các thông tin cần công bố và danh sách các tổ chức đấu giá sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Góp ý dự thảo Quyết định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp chỉ công bố danh sách gồm tên các tổ chức đấu giá (tương tự như cách các bộ ngành khác công bố tên các tổ chức ngành nghề đặc thù như tổ chức tín dụng, tổ chức chứng nhận sự phù hợp…).
Việc công bố danh sách này chỉ nên dựa trên thông tin về tên tổ chức đấu giá (thông tin mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức đấu giá thì đã có sẵn, có thể chuyển tự động cho Bộ Tư pháp).
VCCI cũng ủng hộ phương thức công khai danh sách các tổ chức đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nhưng theo VCCI, với phương thức công khai bằng phương tiện điện tử, nhưng thủ tục công khai lại được thiết kế tương tự như thủ tục hành chính truyền thống tại dự thảo sẽ khiến việc công bố thông tin trở nên chậm chạp và doanh nghiệp sẽ bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Từ đó, VCCI đề nghị thủ tục thu thập thông tin được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử theo hướng doanh nghiệp sẽ được cấp số tài khoản trên trang web điện tử của cơ quan nhà nước và chủ động cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước sẽ đối chiếu với dữ liệu cấp phép để công bố thông tin về doanh nghiệp.
Sẽ công bố cả hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS
Một trong những vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý là việc công bố danh sách tổ chức ĐGTS có hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS. Liên quan đến vấn đề trên, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định: Trường hợp VPHC về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Vì vậy, có ý kiến lo ngại việc công bố có thể trái quy định của Luật XLVPHC.
Tuy nhiên, Cục Bổ trợ tư pháp lý giải, trường hợp công bố công khai tại Điều 72 Luật XLVPHC là trách nhiệm công bố công khai của người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực cụ thể mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Nội dung công bố công khai đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức VPHC, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, việc công bố danh sách tổ chức ĐGTS có hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS là nhằm mục đích đảm bảo đầy đủ các thông tin của tổ chức ĐGTS cho người có tài sản có căn cứ để lựa chọn những tổ chức ĐGTS có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, hạn chế tình trạng lựa chọn tổ chức ĐGTS có vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo, là “sân sau”, qua đấy góp phần đảm bảo việc đấu giá khách quan, minh bạch, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nội dung công bố chỉ là thông tin chung về hình thức xử phạt VPHC của tổ chức ĐGTS mà không nêu rõ, cụ thể các nội dung như tại Điều 72 Luật XLVPHC. Bởi thế, việc công bố danh sách tổ chức ĐGTS với thông tin về hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS là khác với việc công bố công khai tại Điều 72 Luật XLVPHC và là nội dung cần thiết khi công bố danh sách tổ chức ĐGTS để người có tài sản lựa chọn đúng tổ chức đấu giá đáp ứng yêu cầu bán tài sản.