Pháp lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28/3/1997, có hiệu lực thi hành từ ngày 07/4/1997 đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực biên giới (KVBG).
Sau hơn 20 năm thi hành, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm 03 chính sách. Cụ thể là, xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Tại buổi họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu dự thảo Luật BPVN và nhất trí rằng, dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh, Văn phòng Quốc hội Đoàn Phúc Thịnh cho rằng, đây là luật quan trọng và có ý nghĩa chính trị rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến biển Đông, các vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới...
Do đó, ông Thịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét thật kỹ lưỡng tên gọi, nội hàm và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để đáp ứng mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đồng thời rà soát thật kỹ để tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng với các luật khác. Bởi lẽ, quản lý nhà nước liên quan đến đường biên giới có nhiều cơ quan cùng quản lý, như Ủy ban biên giới quốc gia, Tổng cục hải quan, Bộ Công an...
Đồng tình, bà Vũ Hồng Thương (đại diện Bộ Công an) cũng đề nghị xem xét lại Luật BGQG, qua đó đối chiếu lại chức năng, nhiệm vụ của BPVN. Bên cạnh đó, bà Thương cũng đề nghị xem xét, cần nhắc lại tên gọi của dự thảo Luật là BĐBP hay BPVN. Nếu tên gọi là Luật BPVN thì nội dung của dự thảo Luật cần làm rõ nội dung là xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG để phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh cũng như nội dung quy định giải thích từ ngữ Biên phòng của dự thảo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như sự phối hợp chặt chẽ đối với các bộ, ban, ngành có liên quan. Đồng thời Thứ trưởng cũng nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật BPVN để cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”.
Đối với tên gọi của dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị không thay đổi tên của dự thảo, tuy nhiên cần bổ sung thêm các nội dung khác để nội hàm đầy đủ, tương ứng với tên gọi. Hoạt động Biên phòng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể khác nhau và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân... Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo có sự rà soát, đánh giá tổng thể các quy định, tránh sự chồng chéo giữa các điều khoản để đáp ứng sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; quy định rõ nhiệm vụ của BĐBP. Đồng thời, bổ sung các quy định để tương xứng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu