Cụ thể, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, đại diện cho gần 9.000 DNBL cho rằng: “Cần phải có chiết khấu cố định cho khâu bán lẻ 5-6% trên giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Có như vậy thì mới đảm bảo để DNBL duy trì hoạt động xuyên suốt trong mọi trường hợp ở mọi mức giá xăng dầu của thế giới biến động tăng hay giảm”.
Theo vị này, việc cho DNBL lấy hàng từ nhiều nguồn (theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương) cũng đã có tính cạnh tranh về chiết khấu nhưng không nhiều mà chủ yếu chỉ là đảm bảo được cho DNBL chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ duy trì được hoạt động xuyên suốt theo yêu cầu của Chính phủ đối với mặt hàng bình ổn và thiết yếu như xăng dầu. Tuy nhiên, điều quan trọng theo ông Giang Chấn Tây là cần phải quy định chiết khấu tối thiểu và Nhà nước cần xem đây là một công cụ để quản lý “hàng hóa đặc biệt” nhằm làm cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc được ổn định. Nếu không quy định chiết khấu cụ thể sẽ vẫn có thể xảy ra tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn hoặc các DN đầu mối “bắt tay” mức chiết khấu thì thị trường lại xảy ra.
“Bởi xét cho cùng, chúng tôi - những DNBL vẫn sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống, cũng đã chấp nhận lỗ để duy trì thị trường trong một thời gian dài suốt trong năm vừa qua. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về chiết khấu để đảm bảo thông suốt hài hòa lợi ích - rủi ro chia sẻ”, ông Tây nói.
Đồng quan điểm, trong Công văn số 973/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về tham gia ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu cho DNBL để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, các quy định phải đặt hài hoà lợi ích các bên tham gia chuỗi cung ứng, tiêu dùng (Nhà nước, DN, người tiêu dùng). Theo tỉnh này, đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua có nhiều nguyên nhân, cốt lõi là do DN không thể duy trì kinh doanh do thua lỗ kéo dài.
Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó số lượng cửa hàng của 2 DN nhà nước nắm 70% thị phần chi phối (Petrolimex, PVOil) chỉ có khoảng trên 3.000 cửa hàng, số còn lại thuộc về các DN tư nhân và hệ thống của các DN đầu mối khác. Trong khi đó, hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ của DN lớn (tập đoàn, công ty có vốn Nhà nước chi phối) chưa phủ đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà do DN địa phương, DN tư nhân... đảm đương. Tuy nhiên, hiện không có quy định chiết khấu định mức (mức hoa hồng các đầu mối, thương nhân phân phối trích lại) cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn tới việc các đầu mối đã thực hiện chiết khấu bằng 0 khiến nhiều đơn vị thua lỗ, phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và thị trường xăng dầu cũng như ổn định của địa phương. Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định chiết khấu định mức theo tỷ lệ % nhất định trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Việc này để DN duy trì hoạt động, tránh tình trạng phải ngừng kinh doanh như vừa qua.
Đại diện nhóm DNBL đánh giá: “Đây là một quyết định rất phù hợp với tình hình kinh doanh xăng dầu đang bất ổn hiện nay. Điều này cũng đúng với quan điểm đã từng được nhiều chuyên gia chỉ rõ về việc dù có tăng chi phí định mức 10.000đ/lít mà không phân chia rõ ở các khâu trung gian thì thị trường xăng dầu vẫn sẽ bất ổn”.