Lúng túng vấn đề thời hạn
Việc trả lại tiền, tài sản thi hành án hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật THADS. Theo đó, sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
Nếu chỉ áp dụng quy định trên với trường hợp thi hành án thuộc diện chủ động thì hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, đối với các quy định khác dẫn chiếu áp dụng Điều 126 để giải quyết thì vẫn còn bộc lộ bất cập.
Như tại Điều 117 Luật THADS quy định về cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất: "Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này”. Song, Điều 117 lại không quy định thời hạn cho phép để người có tài sản đến nhận lại trước khi tài sản bị xử lý theo Điều 126. Vì vậy, Chấp hành viên còn gặp lúng túng do không biết sẽ ấn định thời gian như thế nào, liệu có thể hiểu là thời hạn thông báo cũng là 3 tháng như quy định tại khoản 2 Điều 126 hay không?.
Nhiều đương sự không đến nhận tiền, tài sản
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy có nhiều trường hợp bản án tuyên trả lại tiền, tài sản những loại tiền, tài sản có giá trị nhỏ như tiền tạm ứng án phí, điện thoại... có giá trị thấp, đã qua sử dụng, thậm chí không còn giá trị sử dụng nên nhiều đương sự không đến nhận lại. Một số trường hợp đương sự đi tù ở các Trại giam xa hay chuyển địa chỉ đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ của đương sự gây khó khăn cho Chấp hành viên khi làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, thời gian để xử lý tài sản trong trường hợp đương sự không đến nhận vẫn còn quá dài (hết thời hạn 5 năm). Quy định về phương thức trả lại tiền, tài sản hiện này cũng còn bất cập. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định: đương sự có thể trực tiếp đến nhận tiền tại trụ sở cơ quan thi hành án hoặc ủy quyền cho người khác nhận thay, trường hợp người nhận thay phải có giấy ủy quyền hợp pháp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đương sự đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam thì việc người thân của đương sự đến Trại giam để lấy giấy ủy quyền sẽ khá khó khăn mà Chấp hành viên thì không phải trường hợp nào cũng đến trực tiếp Trại giam để trả lại tài sản cho đương sự được. Từ đó khiến việc tổ chức thi hành án bị kéo dài, gặp nhiều khó khăn dẫn đến án tồn đọng.
Ngoài ra, đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Điều 126 Luật THADS quy định “Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này”. Tuy nhiên, để xác định được tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng thì lại phải thành lập Hội đồng gồm cơ quan Tài chính, Viện kiểm sát…xác định tình trạng tài sản, sau đó mới tiến hành các thủ tục tiêu hủy tài sản theo quy định. Đây cũng là một thủ tục rườm rà mất thời gian, để giải quyết vấn đề này, ngay tại thời điểm xét xử, Tòa án cần có những nhận định chính xác về giá trị của vật chứng, tài sản được trả lại cho đương sự để có cách tuyên phù hợp.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, cần nghiên cứu quy định thống nhất phương án xử lý chung đối với loại tài sản mà đương sự không đến nhận. Theo đó, đối với tài sản đã quá cũ, giảm giá trị, không còn giá trị thì tổ chức tiêu hủy, không nên tuyên trả lại cho đương sự, đặc biệt đối với đương sự đang phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Việc này sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí cho cơ quan THADS.
Cùng với đó, cần xem xét rút ngắn khoảng thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước đối với số tiền đã gửi tiết kiệm mà đương sự không đến nhận đồng thời bổ sung các phương thức trả lại tài sản linh hoạt đối với một số loại tài sản như: gửi qua đường bưu điện, gửi trả người thân có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú…