Bất chấp biển cấm vì… “tiện”
Vừa qua, vụ tai nạn giao thông tại Bình Dương khi một phụ nữ chở con nhỏ bằng xe máy đi ngược chiều va chạm khiến một người đi xe máy khác tử vong, đã và đang khiến cộng đồng xôn xao. Cũng vì thói quen đi ngược chiều, chủ quan vì muốn tiết kiệm một ít thời gian, hay “ngại” không muốn đi quãng đường xa hơn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, từ va quệt nhẹ cho đến tai nạn chết người.
Tại Hà Nội, thói quen đi ngược chiều của một bộ phận người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng. Không cứ thời điểm nào, trên tuyến đường nào cũng có thể bắt gặp cảnh xe máy đi ngược chiều, hy hữu có trường hợp ô tô cũng đi ngược chiều.
Trên Internet, có nhiều clip đã ghi lại những tai nạn bởi hành vi “coi thường tính mạng” này, từ xe máy đi ngược chiều va chạm với ô tô, xe buýt và xe máy khác. Nhiều người không những đi ngược chiều mà còn phóng nhanh, không quan sát các phương tiện khác, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có trường hợp còn có nồng độ cồn. Bởi vậy, việc không kiểm soát được tay lái trong những trường hợp này rất dễ xảy ra, nguy cơ tai nạn cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, những người điều khiển xe máy đi ngược chiều gồm đủ thành phần xã hội cả cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên tới người buôn bán, người lao động… Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm người sử dụng xe máy để vận chuyển hàng hóa, giao hàng thương mại điện tử ngày càng có nhiều hành vi đi ẩu, đi ngược chiều, không chú ý giao thông vì cắm cúi nhìn vào điện thoại, gây ra nguy hiểm cho những người đi đường khác. Trong khi đó, các hãng dịch vụ này dường như vẫn bỏ ngỏ vấn đề ý thức tham gia giao thông của nhân viên giao hàng.
Ngại đi xa thêm đoạn đường nên chọn đi ngược chiều; làn đường kia đang ùn tắc cứ vô tư sang làn đường ngược chiều lưu thông bất chấp biển cấm hay tránh bị lực lượng chức năng kiểm soát bằng cách đi ngược chiều. Thói quen này của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông là nguyên nhân góp phần khiến cho giao thông Thủ đô lộn xộn, tăng thêm số lượng tai nạn giao thông.
Tăng chế tài, tăng tính răn đe
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền thấp nhất đối với hành vi đi ngược chiều là từ 1 - 2 triệu đồng đối với mô tô, xe máy; 3 - 5 triệu đồng đối với ô tô. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Trong trường hợp hành vi đi ngược chiều gây ra tai nạn cho người khác, mức phạt tiền cao nhất đối với xe máy là 5 triệu đồng, với ô tô là 12 triệu đồng, bên cạnh đó người điều khiển phương tiện còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp nặng nhất, người đi ngược chiều, gây tai nạn giao thông; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 7 - 15 năm tù. Điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc phải đối mặt với mức phạt đến 18 triệu đồng.
Như vậy, quy định đã rõ, mức phạt cũng tương đối cao nhưng yếu tố quyết định là ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Thực trạng vi phạm đi ngược chiều vẫn còn tiếp diễn cho thấy mức phạt này vẫn chưa thực sự khiến nhiều người điều khiển phương tiện, đặc biệt là xe máy, biết sợ.
Nếu chờ đợi sự giám sát, xử lý từ cơ quan chức năng thì những hành vi vi phạm này dù có giảm cũng chỉ là giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết triệt để được phần gốc. Bên cạnh đó, việc xử “phạt nguội” vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn người điều khiển xe máy đi ngược chiều.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia đề xuất rằng, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác cần xem xét kỹ việc tăng thêm các chế tài xử phạt, trong đó cho phép tạm giữ xe máy của người đi ngược chiều, đi vào cao tốc, vượt đèn đỏ… để tăng thêm tính răn đe và ngăn chặn hành vi đi ngược chiều tiếp diễn, gây nguy hiểm cho những người đi đúng chiều, tuân thủ pháp luật về giao thông khác.