Cần ghi rõ để xác định trách nhiệm cơ quan cấp giấy chứng sinh
Dự thảo Luật quy định nội dung đăng ký khai sinh gồm các thông tin như họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, số định danh cá nhân của người được khai sinh; họ và tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, nơi cư trú của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh.
Trước đây việc xác định “quê quán” của người được khai sinh đặt ra và hướng dẫn cụ thể nhưng sau đó Bộ Tư pháp quy định không sử dụng thuật ngữ này nên các giấy tờ hộ tịch lẫn sổ đăng ký hộ tịch không ghi nhận, nay Dự thảo Luật quy định ghi lại gây khó khăn cho hộ tịch viên khi thực hiện việc lập lại thông tin hộ tịch cho trẻ em dưới 14 tuổi theo Điều 66 vì trước đây các giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch không ghi nội dung quê quán.
Ngoài ra, thủ tục đăng ký khai sinh theo Dự thảo Luật quy định gồm tờ khai, giấy chứng sinh; nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản xác nhận của người làm chứng; nếu không có người làm chứng thì người đi khai sinh làm giấy cam đoan về việc sinh. Tuy nhiên, Luật lại không quy định rõ giấy chứng sinh do cơ quan nào cấp để xác định thẩm quyền cũng như trách nhiệm của cơ quan đó khi cấp giấy chứng sinh.
Đối với việc đăng ký khai tử, Dự thảo Luật quy định thủ tục gồm tờ khai, giấy báo tử hoặc giấy tờ thay giấy báo tử, nhưng lại không quy định cụ thể giấy tờ thay giấy báo tử là gồm những loại giấy tờ nào nên khi Luật được thông qua phải chờ nghị định hoặc không áp dụng được vì không quy định cụ thể, chi tiết. Thời hạn giải quyết đăng ký khai tử cũng không được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, giả sử trong trường hợp cần xác minh khi thủ tục đăng ký khai tử không rõ ràng thì Dự thảo Luật không đề cập đến vấn đề này.
Cần hướng dẫn cụ thể biểu mẫu giấy ủy quyền
Vấn đề ủy quyền khi đăng ký hộ tịch cũng được Dự thảo Luật đề cập và sửa đổi so với quy định trước đây. Nếu theo quy định hiện hành thì người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay.
Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Dự thảo Luật Hộ tịch lại quy định khác hơn, theo đó người đã thành niên ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký hộ tịch, việc ủy quyền phải bằng văn bản có chứng thực. Trường hợp ủy quyền giữa cha, mẹ, con với nhau; anh, chị, em ruột với nhau; ông bà nội, ông bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
Do vậy, theo Dự thảo Luật, trong mọi trường hợp phải làm giấy ủy quyền khi người có yêu cầu đăng ký hộ tịch không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch. Điều này gây khó khăn cho công dân vì trên thực tế không có biểu mẫu giấy ủy quyền thống nhất, do đó công dân rất khó khăn trong việc thiết lập giấy ủy quyền, hộ tịch viên cũng khó khăn trong việc xác định giấy ủy quyền hợp lệ.
Nên chăng, khi Luật Hộ tịch được thông qua thì Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể biểu mẫu giấy ủy quyền trong đăng ký hộ tịch để người dân thuận tiện trong sử dụng khi có yêu cầu.