Những hạn chế của bộ máy Nhà nước, những bất cập trong mối quan hệ giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, cùng những giải pháp khắc phục luôn được nói tới trong các văn kiện của Đảng nhưng việc khắc phục chưa được là bao.
Do vậy, trong dự thảo văn kiện Đại hội Dảng lần thứ XI đã viết: “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp”.
Theo chúng tôi, việc văn kiện chỉ đề cập về vấn đề nhất thể hoá như trên là quá chậm trễ so với nhu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và hiệu lực hoạt động của Nhà nước. Ở Việt Nam đã thí điểm trong một thời gian khá dài “Bí thư kiêm Chủ tịch” và trên thực tế Bí thư đã kiêm khá tốt chức vụ Chủ tịch. Vậy vì sao chưa tổng kết mô hình này trước Đại hội, mà trong văn kiện vẫn chỉ nêu là “Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp”?
Chúng tôi cho rằng, nhất thể hoá một số chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước là một chủ trương đúng đắn và cần được mạnh dạn áp dụng ngay trong thời gian tới, vì một số lý do sau:
- Thứ nhất, về mặt lý luận, bộ máy của Đảng được tổ chức từ những đảng viên ưu tú, có năng lực quản lý, lãnh đạo, còn bộ máy Nhà nước cũng được lập ra từ những người có tài, có đức, có năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trên thực tế, hầu như các chức vụ cao cấp của bộ máy Nhà nước ở Việt Nam thì đều do những đảng viên có chức vụ cao trong Đảng đảm nhiệm, như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đều là Uỷ viên Bộ chính trị hay Uỷ viên trung ương Đảng. Ở các địa phương thì cũng tương tự thế. Do vậy, nếu chính thức thừa nhận việc nhất thể hoá một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì công tác tổ chức sẽ đỡ phức tạp.
- Thứ hai, việc nhất thể hoá sẽ nâng cao hơn được trách nhiệm của những người đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi không làm tốt công việc. Bởi, xét đến cùng, thì việc cơ quan, cán bộ Nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, cán bộ Đảng cũng phải chịu trách nhiệm.
- Thứ ba, việc nhất thể hoá đương nhiên phải đi liền với việc dân chủ hoá đời sống nhà nước và xã hội, xây dựng, củng cố xã hội dân sự, tạo điều kiện để nhân dân, các tổ chức phi chính phủ có điều kiện góp ý, phản biện những chính sách, pháp luật. Đấy là những công cụ hữu hiệu mà các quốc gia khác đã sử dụng có hiệu quả để kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực nhà nước.
- Thứ tư, cần phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ Đảng, công chức Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo về cả năng lực và phẩm chất chính trị, đạo đức. Dù là cán bộ Đảng hay công chức Nhà nước thì một trong những tiêu chuẩn cần phải có khi được giới thiệu để bầu hoặc để bổ nhiệm là đã trải qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn cần thiết, tối thiểu về lãnh đạo và quản lý để có thể hoàn thành được công việc được giao. Kiên quyết không bầu, không bổ nhiệm những người chưa được đào tạo về chuyên môn lãnh đạo và quản lý vào các chức vụ quan trọng.
Tóm lại, theo chúng tôi thì trong văn kiện Đại hội XI phải khẳng định và đưa ra chủ trương “nhất thể hoá” một số chức vụ Đảng và Nhà nước. Hy vọng, Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ sáng suốt để quyết định vấn đề này.
PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan