13/18 nội dung cơ quan thẩm tra không đồng tình
Trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Quá trình tổng kết 3 năm thi hành Luật cho thấy, nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bất hợp lý như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong số 18 nội dung ban soạn thảo đề nghị sửa thì chỉ có 5 nội dung Ủy ban Tài chính, ngân sách đồng tình, 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại còn 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng không thực sự cần thiết hoặc chưa bảo đảm công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành.
Nếu mở rộng thì sẽ có rất nhiều đối tượng phải kiểm tra, kiểm soát
Về nội dung sửa đổi, KTNN đề xuất bổ sung đơn vị được kiểm toán. Theo đó, “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này”.
Tuy nhiêm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng đây chính là bản chất là mở rộng đơn vị được kiểm toán so với quy định của Luật hiện hành. Chính vì thế, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. “Quy định như dự thảo Luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán. Như vậy chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế, không bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán”, ông Hải cho hay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng hiện nay hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định việc mở rộng đối tượng kiểm toán cần cân nhắc để phù hợp với phạm vi hoạt động của kiểm toán. Theo, Chủ tịch Quốc hội, KTNN thực hiện kiểm toán tài sản, tài chính công, còn người nộp thuế không phải là người tham gia vào lĩnh vực này. Người nộp thuế là đối tượng chịu sự quản lý của cơ quan thuế nên việc cơ quan kiểm toán tới kiểm toán người nộp thuế liệu có khả thì. Do đó, vô hình chung sẽ có rất nhiều đối tượng phải được kiểm tra, kiểm soát, cho nên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cần cân nhắc.
Giải trình vấn đề, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN chỉ kiểm tra các cơ quan quản lý thuế nhưng muốn đối chiếu các nộp thuế để đánh giá cơ quan quản lý thuế có làm đúng trách nhiệm hay không chứ không phải kiểm toán người nộp thuế vì KTNN cũng không đủ sức để làm./.