Đó là trường hợp của ông Trịnh Tài Son (SN 1946, ngụ ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang hay còn gọi Trịnh Sơn) đã được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cấp Giấy chứng nhận thương binh số 14 ngày 19/03/1994 với tỷ lệ thương tật 45%.
Điều đáng nói là theo đơn tố cáo của Đại tá Nguyễn Văn Dũng - nguyên Huyện đội trưởng huyện Đội Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cùng với một số cựu chiến binh thì ông Trịnh Tài Son không tham gia cách mạng ngày nào.
Theo đó, vào năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, trong lúc ông Son đi làm ruộng từ ấp Ruộng Sạ về ấp Cạnh Đền 3 không may bị máy bay của Mỹ phóng pháo bị thương.
Sau đó, ông Son được gia đình đưa đến Trạm y tế xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận) do bà Nguyễn Thị Năm sơ cứu. Sau khi được sơ cứu gia đình ông Son có quen biết với ông Cô Văn Yến làm việc cho chế độ Mỹ nhờ máy bay chuyển về Bệnh viện Vị Thanh (nay là tỉnh Hậu Giang) chữa trị.
Tuy nhiên, lợi dụng chính sách người có công, ông Son khai tham gia cách mạng từ ngày 28/08/1967 là Đội viên đội Du kích và Trưởng ban thông tin ấp văn hoá Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Đến ngày 01/03/1969 trên đường đi công tác, huy động lương thực thì bị máy bay địch phóng pháo bị thương.
Đến ngày 09/04/1994, ông Son được Hội đồng giám định y khoa tỉnh Kiên Giang kết luận với tỷ lệ thương tật 45% và được Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định không số, không ngày, tháng, năm trợ cấp thương tật và sổ thương binh đối với ông.
Đến khoảng năm 1995, hàng loạt cựu chiến và những có công cách mạng đã phát hiện liền gửi đơn tố cáo ông Son khai man lý lịch để trục hưởng chế độ chính sách người có công.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, ngày 21/08/2015, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang 6204/QĐ-LĐTBXH tạm đình chỉ chế độ thương binh đối với ông Trịnh Tài Son.
Bất ngờ đến ngày 12/10/2015, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang ký Quyết định 8484/ QĐ-LĐTBXH huỷ bỏ Quyết định 6204/QĐ-LĐTBXH ngày 21/08/2015 và phục hồi lại chế độ thương binh cho ông Son.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng - nguyên huyện Đội Trưởng huyện Đội Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang phản ánh đến Báo PLVN. |
Đại tá Nguyễn Văn Dũng - nguyên Huyện đội trưởng huyện đội Vĩnh Thuận - cho biết: "Chúng tôi là những người từng tham gia cách mạng tại địa phương nên nắm rõ hơn ai hết việc ông Son không hề tham gia cách mạng. Sau giải phóng với cương vị Huyện đội trưởng thì tôi là người nắm rõ từng thành phần của địa phương.
Việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang công nhận thương binh cho ông Son là vô cùng có tội với những người đã hi sinh xương máu cho cuộc giải phóng dân tộc này. Hiện nay tôi cùng anh em cựu chiến binh đã gửi đơn đến cơ quan cao cấp Nhà nước khiếu nại trường hợp này. Tôi mong rằng vụ việc phải được làm cho ra lẽ".
Bà Nguyễn Thị Năm - nguyên nhân viên Trạm y tế xã Vĩnh Phong - người trực tiếp sơ cứu vết thương cho ông Trịnh Tài Son cũng đã hơn 20 lần gửi đơn tố cáo khẳng định ông Son không một ngày tham gia cách mạng.
Đại uý Trần Thanh Vân - nguyên Tiểu Đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 630 QK9 khẳng định: Vào thời điểm năm 1968-1970 tại khu chiến đấu này không có chức vụ Trưởng ban thông tin văn hoá ấp mà trong hồ sơ thương binh ông Son đã khai. Đó là những thông tin bịa đặt, lợi dụng sự ưu đãi của Nhà nước đối với người có công cách mạng làm giả hồ sơ để hưởng chế độ.
Theo thông tin của ông Cô Văn Yến (SN 1934, Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) từng làm cơ sở cách mạng trong lòng địch để tổ chức công việc, xây dựng cơ sở, đấu tranh để giải phóng dân tôc, ông Trịnh Tài Son là người dân bình thường không tham gia chiến sự cho bất cứ bên nào. Trong đơn xác nhận ông Yến nêu rõ: Tôi xin xác nhận ông Trịnh Tài Son là người dân thường ấp Cạnh Đền 3, không tham gia cách mạng một ngày nào.
Còn ông Trần Thanh Hòn (SN 1954, là cựu chiến binh ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) xác nhận: Ông Son tên thật là Trịnh Tài Son, hộ khẩu giấy chứng minh nhân dân cũng là Trịnh Tài Son, đến năm 1993 ông Son giấu tên thật khai tên khác là Trịnh Sơn để làm thương binh tỷ lệ thương tật là 45%. Giấy chứng nhận thương binh Trinh Sơn khai hoàn toàn trái pháp luật quy định. Tôi khẳng định ông Trịnh Tài Son là người dân thường không tham gia cách mạng một ngày nào.
Hàng loạt đơn thư tố cáo vụ việc đến Tỉnh uỷ Kiên Giang cùng các cơ quan cao cấp Nhà nước. |
Nghi vấn có dấu hiệu “lấp liếm” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang hàng loạt cựu chiến binh đã gửi đơn đến Tỉnh uỷ Kiên Giang cùng các cơ quan cao cấp Nhà nước nhờ can thiệp làm sáng tỏ vụ việc.
Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Đặng Tuyết Em - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết: Hiện tại đang chờ bộ phận tham mưu trình nội dung đơn thư để có hướng giải quyết và thông tin cho báo chí sau.
Mong rằng, Tỉnh uỷ cùng các cơ quan chức năng Kiên Giang sớm vào cuộc giải quyết và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi và cả những người "tiếp tay" hoặc tắc trách trong vụ việc không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn khiến dư luận bức xúc, mất niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin sự việc trên./.