Khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Theo đó, trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại.
Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan Thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền được thi hành án của mình cho người thứ ba thì người thứ ba trở thành người được thi hành án tương ứng với phần quyền được chuyển giao và có các nghĩa vụ của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Người chuyển giao quyền về thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người phải thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án biết về việc chuyển giao quyền về thi hành án. Việc chuyển giao quyền về thi hành án không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp người phải thi hành án chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người thứ ba thì phải được sự đồng ý của người được thi hành án. Người nhận chuyển giao nghĩa vụ có các nghĩa vụ của người phải thi hành án, nếu không tự nguyện thi hành thì bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự hiện nay lại chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản bảo đảm thi hành án chết. Về vấn đề này, Điều 343 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp: Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt; việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; theo thỏa thuận của các bên.
Do đó, về nguyên tắc, trường hợp người bảo lãnh chết thì nghĩa vụ được bảo lãnh vẫn phải thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước trong hợp đồng bảo lãnh. Tuy nhiên, do có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thừa kế tài sản của người bảo lãnh, dễ xảy ra việc thừa kế không đồng ý, chống đối khi xử lý tài sản bảo lãnh… nên cần có quy định cụ thể để cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng.
Theo đó, có thể xác định cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục xử lý tài sản của người thứ ba mà không phải xác minh, xác định những người thừa kế tài sản. Khi xử lý xong tài sản mà còn dư tiền thì tiền gửi tiết kiệm, xử lý tương tự Điều 126 Luật Thi hành án dân sự hoặc theo hướng bổ sung thêm trường hợp này tại Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, áp dụng tương tự đối với người phải thi hành án.