Khu đất bị từ chối cấp sổ đỏ
Theo hồ sơ ông Hoàng cung cấp, khu đất thuộc thửa 218 và 226 tờ bản đồ 72 (2013) do ông Nguyễn Văn Dũng (tự Tỵ) khai phá từ những năm 1980. Năm 1991, ông Dũng bán cho anh vợ là ông Lưu Phong Thanh (SN 1962) sử dụng. Ngày 8/10/1992, vợ chồng ông Thanh bán lại cho ông Hoàng. Giấy viết tay nêu diện tích khoảng 5 sào 7 (5.700m2) có ghi rõ tứ cạnh, có người làm chứng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (con gái, đại diện theo ủy quyền cho ông Hoàng) trình bày, đất ở đây xấu, nhiều sỏi đá, cây cối không phát triển nhiều. Năm 1996, cha bà nhờ một người trông coi đất trong thời gian ông đi có việc một thời gian.
Theo giấy nhờ trông coi đất lập ngày 1/12/1997, ông Hoàng nhờ người trông coi, trồng hoa màu trên khu đất. Người được nhờ phải trông coi đất, ranh mốc đất; đổi lại sẽ được canh tác, hưởng thành quả trên đất. Khi ông Hoàng có nhu cầu lấy lại đất thì báo trước 3 tháng.
Năm 2003, ông Hoàng có nhu cầu sử dụng nên lấy lại đất. Hai bên lập giấy giao trả đất ngày 1/8/2003; ông Hoàng lấy lại đất trực tiếp canh tác, sử dụng; và hỗ trợ người trông coi 1 triệu đồng tiền công trông coi.
Tại hồ sơ cấp sổ đỏ, trong đơn xin xác nhận nguồn gốc đất, nguyên trưởng ấp Phú An, ông Trần Thành xác nhận ông Hoàng có khai phá và trồng một số cây ăn trái trên mảnh đất nói trên. Trưởng ấp Trương Văn Qua cũng xác nhận đất do ông Hoàng mua, sử dụng là đúng sự thật. Trong hồ sơ, các chủ đất tứ cận cũng ký xác nhận cho ông Hoàng.
Bà Ngân chia sẻ: “Gia đình nhiều lần đến xã nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ nhưng cán bộ không đồng ý. Tháng 4/2023, gia đình nộp hồ sơ lên bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng đề nghị cấp sổ đỏ. Ngày 18/10/2023, UBND xã có Thông báo 229/TB-UBND cho rằng căn cứ Quyết định 3247/UBND ngày 31/12/2013 của UBND huyện, thì đất gia đình tôi đề nghị cấp sổ đỏ là đất công”.
Bà Ngân đặt câu hỏi: “Nếu đất công thì địa phương cần trả lời rõ quản lý từ năm nào? Gia đình tôi mua đất, có quá trình sử dụng, đủ nhân chứng, chứng cứ thì địa phương cần giải quyết quyền lợi chính đáng đúng luật, chứ không thể trả lời chung chung như thế”.
Trả lời của đại diện UBND xã
Làm việc với PV PLVN, ông Nguyễn Bắc Đẩu, cán bộ địa chính xã Phú Hội cho biết, UBND xã có tiếp nhận hồ sơ của ông Hoàng “nhưng do là đất công nên không thể cấp sổ đỏ được”.
Khi được hỏi căn cứ nào để kết luận khu đất trên là đất công, ông Đẩu nói “mới về làm một vài năm, tiếp nhận hồ sơ từ người tiền nhiệm”. Theo ông Đẩu, trên đất này trước đây có bà Trần Thúy Bình sử dụng, nhưng năm 2011 bị UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất công. Do là đất công nên không cấp sổ đỏ cho người nào.
Ông Đẩu cung cấp cho PV các hồ sơ gồm: 2 biên bản (không có dấu UBND xã, không có người đứng đầu UBND xã ký) được lập giữa ông Nguyễn Ngọc Toàn (ghi là cán bộ địa chính xã năm 2008) với trưởng ấp ngày 26 và 27/3/2008; Văn bản 3247/UBND ngày 31/12/2013 của UBND huyện gửi Phòng TN&MT, UBND xã về quản lý đất công ích 5% trên địa bàn xã Phú Hội, kèm theo là danh sách trong đó có các thửa đất trên với chú thích bà Trần Thúy Bình đang chiếm sử dụng trái phép.
Trong 2 biên bản, nêu ý kiến khu đất nhà Trắng sau 1975 đưa vào Tập đoàn An Phú nhưng do đất xấu nên không giao xã viên nào sử dụng. Đến 1992, Tập đoàn giải thể nên địa phương tiếp tục quản lý cho đến nay.
Theo Văn bản 60/BC-UBND ngày 18/12/2009 của UBND xã Phú Hội báo cáo về tình hình thực trạng quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn xã; kèm văn bản là danh sách kế hoạch sử dụng đất công năm 2009, trong đó có 56 hộ được cho kê khai cấp sổ đỏ. Điều đáng nói, 56 hộ đang sử dụng đất công này được đề xuất cấp sổ đỏ, có hộ khai phá sử dụng từ 1976, có hộ được HTX cấp từ năm 1976, có hộ sử dụng từ 1987, có hộ sang nhượng từ năm 2001, 2004...
Trong một văn bản khác, là Báo cáo 07/BC-UBND ngày 17/01/2007 của UBND xã về hướng xử lý một số diện tích đất công, hiện nay nhân dân đang sử dụng tại các thôn. Trong đó có trường hợp ông Tôn Thất Vũ thuộc thửa 95 tờ bản đồ 33 (giáp ranh đất ông Hoàng) là đất công thuộc nhà Trắng. Đất của ông Vũ, theo UBND xã, là đất công, trước đây thuộc tập đoàn quản lý, và chuyển nhượng trái phép từ 1991. “Nhưng do sử dụng ổn định, gia đình thuần nông, đất không thuộc khu vực quy hoạch sử dụng phục vụ cho công trình phúc lợi công cộng xã hội. UBND xã đề nghị cho ông Vũ đăng ký cấp sổ đỏ”, UBND xã nêu quan điểm. Và năm 2009, diện tích đất này của ông Vũ cũng được xã đề nghị đăng ký cấp sổ đỏ.
Trên khu đất có nhiều cây đã được ông Hoàng cho rằng trồng nhiều năm. (Ảnh trong bài: Bùi Yên) |
Một số vấn đề cần làm rõ
LS Trương Văn Tuần (Đoàn LS TP HCM) nhận định, từ những hồ sơ của người sử dụng đất và hồ sơ của UBND xã như nêu trên, có một số vấn đề đặt ra quanh vụ việc này như sau:
Thứ nhất, nếu cho rằng đất ông Hoàng đang sử dụng là đất công thì địa phương cần trả lời rõ ràng khu đất được xác lập là đất công từ năm nào, thủ tục ra sao? Bà Bình là ai, liên quan gì khu đất, mà lại bị lập biên bản vào năm 2008? Biên bản đã đúng thể thức, có giá trị pháp lý hay không?
Thứ hai, đối chiếu với Báo cáo 60/BC-UBND và 07/BC-UBND, cần làm rõ lý do trường hợp ông Hoàng bị xã từ chối?
Thứ ba, hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Hoàng có ghi đủ mốc thời gian, nhân chứng. Nếu hồ sơ đó là chính xác thì căn cứ khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 5 Điều 20 Nghị định 43/2024/NĐ-CP, người nào sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp trước 1/7/2004 thì được cấp sổ đỏ. Luật Đất đai các thời kỳ cũng nêu rõ đất nông nghiệp hoặc đất ở có nhà ở mà người dân sử dụng ổn định, từ trước năm 1993 thì phải được cấp sổ đỏ. “Còn nếu cho rằng hồ sơ có sự dàn dựng, giả mốc thời gian, giả nhân chứng để hợp thức xin cấp sổ đỏ, thì cơ quan chức năng cũng cần chứng minh làm rõ, xử lý nghiêm”, LS Tuấn nêu quan điểm.
PV đã liên hệ UBND huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc. Ngày 13/3/2024, UBND tỉnh đã có Văn bản 1929/UBND-ĐC chuyển nội dung của Báo PLVN đến UBND huyện Đức Trọng để thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin theo quy định.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc khi có những diễn biến mới.