Theo tìm hiểu, ngày 25/1/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dự án HTKT “phát triển các đô thị loại II (Lần thứ 2) tại Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Thuế” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại.
Theo đó, Dự án Phát triển các Đô thị loại hai Xanh được triển khai tại Vĩnh Phúc, Huế và Hà Giang được Chính phủ ký kết vay vốn của ADB tại Khoản vay thông thường số 3590-VIE và Khoản vay ưu đãi số 3591-VIE, với tổng giá trị các khoản vay lần lượt là 50 và 120 triệu USD nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị tại 3 thành phố hướng tới các đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó tiểu dự án tại Hà Giang được phân bổ 38 triệu USD khoản vay ưu đãi. Dự án do UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản; UBND TP Hà Giang làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm 3 hợp phần: Phát triển đô thị xanh và thích ứng khí hậu; phát triển mạng lưới đường tổng hợp và viện trợ chủ đạo xanh.
Dự án được đánh giá là thiết thực và ý nghĩa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư, phản ánh liên quan đến công tác xét, chấm thầu gói thầu HG-CS01 về Tư vấn Giám sát Xây dựng thuộc Khoản vay ADB số 3591-VIE.
Theo tài liệu PLVN nhận được, yêu cầu nộp hồ sơ đề xuất cho gói thầu đã được gửi đến 6 tư vấn trong danh sách ngắn ngày 8/7/2019. Sau đó 6 tư vấn này đã nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu vào 9h00 ngày 25 tháng 8 năm 2019. Sáu tư vấn gồm:
(1) Liên doanh Cheil, Contrans, Techco2 và Công ty CP Xây dựng Đăng Tiến;
(2) Dohwa cùng tư vấn phụ Newstech và Hồng Hà;
(3) Liên doanh EXP và Thăng Long-TIDENCO;
(4) Liên doanh Haskoning Hà Lan và Haskoning Việt Nam cùng tư vấn phụ Việt Vương;
(5) Liên doanh SWS, INTEC và Việt Xanh-GVDC;
(6) Liên doanh VIWASE, OCG và VJEC.
Việc mở thầu phần đề xuất kỹ thuật được thực hiện ngay sau đó và Tổ chấm thầu do Ban Quản lý dự án phát triển đô thị Loại hai xanh thuộc UBND thành phố Hà Giang thuê Công ty CIC 279 tiến hành chấm điểm các đề xuất kỹ thuật.
Theo biên bản mở đề xuất tài chính thì liên danh gồm các công ty: Cheil (Hàn quốc), Contrans (Thụy điển), Tecco2 & Đăng Tiến (Việt Nam) đạt số điểm cao nhất với 866,44 điểm của Đề xuất kỹ thuật/thang 1000 điểm (thể hiện trong Biên bản mở Đề xuất tài chính ngày 20/4/2020 tại PMU Hà Giang).
Tuy nhiên, đơn thư phản ánh cho rằng có sự bất minh, thiếu khách quan trong công tác chấm xét các đề xuất kỹ thuật của 6 tư vấn.
“Theo đánh giá khách quan trên hồ sơ, hợp đồng tương tự của liên danh Cheil, Contrans, Techco2, Đăng Tiến chưa đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Liên danh không hiểu về hồ sơ mời thầu điển hình như việc, hồ sơ mời thầu và công văn làm rõ của PMU Hà Giang xác định thời gian thực hiện dịch vụ tư vấn là 48 tháng, không bao gồm thời gian bảo hành. Thế nhưng, Liên danh trên lại nêu thời gian thực hiện dịch vụ tư vấn giám sát là 36 tháng”, đơn thư nêu.
Ngoài ra, phản ánh cũng cho rằng: Liên danh lập kế hoạch, lịch trình công việc phi thực tế, năng lực về nhân lực cũng chưa đảm bảo. Cụ thể như kinh nghiệm của Phó đoàn tư vấn, chuyên gia về giới, chuyên gia giám sát và quan trắc môi trường chưa đảm bảo về chuyên môn và thâm niêm kinh nghiệm…
Được biết, văn thư kiến nghị làm rõ trên đã được gửi tới ông Eric Sidgwich - Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Alexander D. Nash – Cán bộ ADB phụ trách Dự án, và bộ phận chống tham nhũng của ADB. Hiện tại, ADB đã và đang tiến hành điều tra, làm rõ.
Báo PLVN đã liên hệ với lãnh đạo UBND TP Hà Giang và Ban Quản lý dự án phát triển đô thị Loại hai xanh để phối hợp thông tin, làm rõ các vấn đề nêu trên và sẽ tiếp tục thông tin.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, việc lựa chọn nhà thầu luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó, Luật đấu thầu nghiêm cấm các hành vi gian lận, cản trở, không bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình đấu thầu.
Đối với các Dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì yêu cầu trên đây càng đòi hỏi phải được tuân thủ một cách chặt chẽ, khắt khe. Mọi hành vi vi phạm (nếu có) đều có thể gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Ngày 21/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 18/CT-TTg trong đó có yêu cầu về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.
Mới đây nhất, ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Nhà tài trợ nước ngoài.
Kế thừa những nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP, nghị định lần này tiếp tục khẳng định việc bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.
Những quy định trên cho thấy các khiếu nại liên quan tới quá trình xét, chấm thầu gói thầu tư vấn giám sát thi công HG-CS01 cần được nhanh chóng làm rõ để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, công bằng, khách quan giữa các nhà thầu, đảm bảo hiệu quả của dự án, không để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến các dự án khác, đồng thời tránh những hậu quả không khắc phục được.