Vấn đề góp vốn của các hợp tác xã cần phải được nhìn nhận, đánh giá thật thấu đáo, bởi những nhận định này đang xung đột với quy định của Luật Hợp tác xã và các luật liên quan.
Trước hết, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và các hợp tác xã thành viên là tổ chức kinh tế tập thể của người dân, không có vốn của Nhà nước hoạt động theo luật Hợp tác xã.
Các Hợp tác xã Quận 11, Hợp tác xã tiêu dùng Phường 14 Quận 8 là những tổ chức kinh tế tập thể đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, thành lập năm 1975 từ những năm tháng đầu tiên sau ngày giải phóng đất nước.
Các Hợp tác xã này đã tham gia thành lập Liên hiệp Sài Gòn Coop. Trong quá trình hơn 45 năm hoạt động, Hợp tác xã phường 14 Quận 8 có nhiều thành tích được các cấp chính quyền tuyên dương, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985.
Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, hoạt động của kinh tế tập thể hợp tác xã, trong đó có Hợp tác xã Quận 11, Hợp tác xã phường 14 Quận 8 cần nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, và trên hết mọi nhận định, đánh giá đều phải dựa trên cơ sở pháp luật và đường lối của Đảng, Chính phủ.
Theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp quận có trách nhiệm hỗ trợ, khuyến khích việc thành lập, ra đời hoạt động, tăng vốn, kết nạp các thành viên vào Hợp tác xã; không thể chủ quan, áp đặt hành chính, hay thậm chí hình sự hóa hoạt động kinh tế, dân sự, đầu tư là những hoạt động nội bộ của Hợp tác xã.
Ngày 06/7/2019, Saigon Co.op đã tổ chức Đại hội thành viên và thông qua Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV, với nội dung Saigon Co.op tăng vốn điều lệ từ các HTX thành viên để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính phục vụ cho định hướng phát triển, giữ vững vị thế của Saigon Co.op trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành bán lẻ.
Chủ trương tăng vốn được Đại hội thành viên - cơ quan có quyền quyết định cao nhất của tổ chức kinh tế tập thể này thông qua với sự nhất trí biểu quyết của các đại biểu bao gồm tất cả các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban điều hành Liên hiệp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV, Hội đồng quản trị đã ban hành Nghị quyết số 121a/QĐ-HĐQT ngày 12/11/2019 về phương án huy động vốn từ các hợp tác xã thành viên. Tất cả các thành viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op đã thống nhất tuyệt đối nội dung này.
Tiếp sau đó, Hội đồng quản trị Saigon Co.op đã ban hành Thông báo số 660/TB-LH gửi cho Hợp tác xã tiêu dùng phường 14 quận 8 và Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ quận 11 thông báo về việc huy động tăng vốn điều lệ từ các thành viên. Theo đó, nguồn vốn được huy động từ các hợp tác xã thành viên, phần thiếu hụt sẽ được huy động từ các nguồn lực xã hội khác theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, việc huy động vốn này là công khai, minh bạch. Việc góp vốn của các hợp tác xã là theo Nghị quyết của Đại hội thành viên Saigon Co.op, không phải là góp vốn chui như nhận xét thiếu cơ sở pháp luật của một số cơ quan, tổ chức.
Việc tham gia góp vốn điều lệ, góp vốn đầu tư kinh doanh của Hợp tác xã Tiêu dùng phường 14 quận 8 và Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ quận 11 vào Saigon Co.op đều căn cứ Thông báo số 660/TB-LH ngày 12/12/2019 của Saigon Co.op.
Trong quá trình góp vốn và huy động vốn, hai hợp tác xã này đã triển khai việc góp vốn, huy động vốn từ các thành viên hợp tác xã và từ các nguồn lực xã hội khác (các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp) là đúng Luật Hợp tác xã và đúng theo Thông báo số 660/TB-LH ngày 12/12/2019 của Saigon Co.op. Việc huy động vốn có kết quả nhanh chóng, cần biểu dương chứ không nên nhận xét góp vốn “siêu tốc” theo hướng suy diễn tiêu cực.
Mặt khác, việc góp vốn được hai hợp tác xã này thực hiện đúng quy định về đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư, theo đó các hợp tác xã có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật đầu tư không cấm.
Các nguồn vốn mà Hợp tác xã Tiêu dùng phường 14 quận 8 và Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ quận 11 góp vốn, huy động để tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op đều có nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ số tiền góp vốn này đều được các đối tác và hợp tác xã chuyển khoản chính danh cho Saigon Co.op theo đúng quy định pháp luật và thông lệ góp vốn.
Luật Hợp tác xã quy định tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể góp vốn và trở thành thành viên của Hợp tác xã. Việc góp vốn, tăng vốn điều lệ của các hợp tác xã vào Saigon Co.op là hoạt động đầu tư kinh doanh chính danh, đúng tư cách pháp nhân của các hợp tác xã.
Vì vậy, đây không phải là hành vi lợi dụng danh nghĩa thành viên Saigon Co.op và danh nghĩa hợp tác xã để góp vốn, tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op như nội dung nêu tại kết luận thanh tra các quận nêu ra. Nhận định này rất nguy hiểm, dẫn tới các hoạt động đầu tư trong xã hội, trong nền kinh tế đều có thể bị quy hết là đầu tư chui, lợi dụng danh nghĩa để đầu tư.
Việc tăng vốn điều lệ của các hợp tác xã thành viên vào Saigon Co.op là hoạt động bình thường của tổ chức kinh tế tập thể, đúng quy định của Luật đầu tư và chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Mục đích của việc tăng vốn điều lệ là nhằm giúp cho Saigon Co.op gia tăng năng lực tài chính, năng lực phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nếu làm tốt, sẽ khẳng định sự phát triển bền vững của hợp tác xã, tăng cường sức cạnh tranh với các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trong và ngoài nước có cùng ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động trên thị trường.
Lẽ ra, chính quyền địa phương cần có chính sách động viên, khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí khen thưởng vì các hợp tác xã đã có thành tích đóng góp vốn cho Sài Gòn Co.op có nguồn lực phát triển, tin tưởng trao đồng vốn của mình cho các lãnh đạo của Liên hiệp quản lý, sử dụng.
Kết luận thanh tra có nội dung nhận định, quy kết và nghi ngờ về tính chính danh của các hợp tác xã khi tham gia góp vốn, cho rằng hành vi góp vốn là trái pháp luật nhưng không chỉ ra được căn cứ pháp lý thế nào là trái pháp luật; làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, đến hoạt động đúng đắn, hợp pháp của hợp tác xã.
Các Hợp tác xã cho biết, tập thể các Thành viên Hợp tác xã không nhất trí với các nhận định không có cơ sở pháp luật của các Quận, và đã có các văn bản khiếu nại gửi tới UBND các Quận này.
Những nhận định áp đặt như trên của cơ quan quản lý làm ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của các hợp tác xã - nơi mô hình kinh tế tập thể của người dân đang yếu thế nhất trong nền kinh tế, không phù hợp với đường lối của Đảng và quy định của pháp luật nên cần phải xem xét lại.
Luật sư Lưu Văn Tám
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.