Truyền thông, xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với quan điểm, ngăn ngừa bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ngăn ngừa việc hút thuốc lá trong cộng đồng.
Trong những năm vừa qua, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là cơ quan y tế đã nỗ lực và để lại nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ, giảm tỷ lệ người hút mới. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các sản phẩm thuốc lá mới đã xuất hiện như shisha, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm...
Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Những sản phẩm này đã đặt ra thách thức cho nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Để việc quản lý các sản phẩm này đầy đủ và toàn diện, việc hiểu rõ cơ chế của từng sản phẩm là cần thiết. Bởi tùy vào cấu tạo và cách sử dụng của sản phẩm sẽ tương ứng với những khuyến nghị quản lý phù hợp mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt ra.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt được sự thống nhất về quan điểm đối với việc quản lý thuốc lá thế hệ mới. Hiện nay Bộ Công Thương đề nghị đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý theo văn bản dưới Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) là Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá (trong đó áp dụng hình thức thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng). Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe người dân
Nhiều năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam luôn quan tâm đến chủ đề thuốc lá thế hệ mới này, nhiều tọa đàm/ hội thảo đã được tổ chức để lắng nghe ý kiến các chuyên gia nhằm góp thêm tiếng nói góp phần truyền thông, xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp. Hội thảo lần này được Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức với mong muốn làm rõ thêm thông tin về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay qua phần trình bày của các đại biểu đến từ nhiều bộ, ngành như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp…, các chuyên gia pháp lý, thuế. Từ đó thấy được việc quản lý từng sản phẩm này là như thế nào theo khuyến nghị của WHO...
Cấp thiết quản lý các sản phẩm thuốc lá mới
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành tập trung trao đổi về tính cấp thiết của việc cần quản lý những sản phẩm thuốc lá mới đã phù hợp với Luật PCTHTL hiện hành và định hướng hợp pháp hóa có trách nhiệm trên cơ sở bảo vệ giới trẻ, cộng đồng.
Quang cảnh hội thảo. |
Đại diện cho Bộ Công Thương, ông Trần Thành Trung - Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp đã cập nhật tiến độ trình Chính phủ, nêu rõ đề xuất cho Chính phủ đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới.
Ông Trung cho biết: “Về tiến độ xây dựng, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp và có hai cuộc làm việc chính thức để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để thay thế Nghị định 67. Trong đó có đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá.
Ông Trần Thành Trung. |
Mặc dù Bộ Công Thương vẫn còn một số vướng mắc với Bộ Y tế về một số điều nhưng chúng tôi đang hướng tới sự đồng thuận về việc quản lý thuốc lá mới. Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác liên quan và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế”.
Ông Trung cũng cho biết thêm, các tài liệu của WHO đã công nhận sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác và đưa ra khuyến cáo các quốc gia nên quản lý sản phẩm theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC). Đồng thời năm 2020, WHO tiếp tục ghi nhận trong tài liệu thông tin về thuốc lá làm nóng rằng thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá nên là sản phẩm thuốc lá.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Lê Đại Hải. |
Đại diện cho cơ quan thẩm định pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ quan điểm: “Thuốc lá làm nóng bao gồm các điếu thuốc ngắn và dùng thiết bị điện tử để làm nóng tạo ra nicotine; còn thuốc lá điện tử chỉ chứa dung dịch, dễ có khả năng bị trộn lẫn nhiều chất vào. Theo khuyến nghị của WHO, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường. Đó là Luật PCTHTL năm 2012. Xét trên góc độ luật trong nước, Luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới Luật. Ngoài Luật PCTHTL 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng. Chúng ta cần tập trung quản lý để loại bỏ những sản phẩm nhập lậu bị lợi dụng để đưa chất cấm vào, bị kẻ gian dụ dỗ tiếp cận học sinh ở trường học. Đó là giải pháp quản lý hữu hiệu”.
Ông Lê Thành Hưng. |
Liên quan đến các tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, VSQI, Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc lại ba tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2020 và bốn tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi, trong đó có thuốc lá điện tử. Ông Hưng cũng nhắc lại sự khác biệt cơ bản giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử và xác nhận cho đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên của WHO đưa mặt hàng thuốc lá làm nóng vào quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá (hoặc sản phẩm khác) theo luật hiện hành.
Dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Nếu đã đặt mục tiêu con người trên lợi ích thì chúng ta cần sớm bàn đến hướng triển khai làm sao để hệ thống quản lý đạt mục tiêu này. Nếu Luật hiện hành đã bao hàm thì tận dụng Luật và tăng mức độ xử phạt để tăng tính nghiêm minh, đồng thời kiểm soát nguồn cung để làm sao thuốc lá mới đừng bán đại trà như thuốc lá điếu. Chúng ta cũng ngăn chặn nguồn cầu từ giới trẻ, mềm mỏng thì bằng biện pháp tuyên truyền, cứng rắn thì áp dụng hình thức xử phạt nhằm cảnh báo đến phụ huynh, nhà trường. Đồng thời, chúng ta cũng cần làm thế nào để giám sát các bên cung cấp, các nguồn cung sản phẩm kinh doanh có trách nhiệm, áp đặt những nguyên tắc ngăn chặn việc tiếp cận sai đối tượng”.
Trưởng Ban Pháp chế - Đào tạo VTA Nguyễn Chí Nhân. |
Dưới góc độ đại diện ngành thuốc lá, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đề cập các quyền lợi của người dùng, cụ thể là người hút thuốc, đồng thời cũng nhấn mạnh sự tuân thủ của ngành đối với hệ thống pháp luật.
Theo đó, ông Nhân nhận định: “Người hút thuốc lá cần có quyền tiếp cận với các loại thuốc lá thế hệ mới, giảm thiểu tác hại. Đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp. Thị trường hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây thì việc chậm ban hành chính sách sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý. Các đơn vị trong Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cam kết tuân thủ các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thuốc lá thế hệ mới như cách chúng tôi đang thực hiện với thuốc lá truyền thống”.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng. |
Chia sẻ về tầm quan trọng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Hiện nay chưa có sản phẩm thuốc lá nào là không độc hại thì phải có các chính sách để quản lý. Thứ nhất là chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là chính sách bảo vệ giới trẻ. Thứ ba là chính sách quản lý hàng hóa. Thứ tư là chính sách về đối ngoại, phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”.
Bà Nguyễn Thị Cúc. |
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá như sau: “Cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Nếu chỉ vì quản lý thuốc lá điện tử không được, rồi cấm lây cả thuốc lá làm nóng thì không đúng. Do vậy, cần có chính sách điều chỉnh kịp thời. Để dự phòng quy định về thuế TTĐB định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe cân nhắc đưa các sản phẩm thuốc lá thuộc nhóm thuốc lá mới – dù thí điểm hay chính thức – vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc đặt các sản phẩm thuốc lá mới vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp đảm bảo người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thành phần bên trong sản phẩm”.
Tổng kết hội thảo, đại diện các bộ, ngành liên quan đều nhấn mạnh việc đưa các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm. Thay vào đó, mục tiêu chính là để kiềm chế sự lan rộng các sản phẩm này bằng hàng rào pháp lý trên cơ sở bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Bởi thế, việc hợp pháp hóa sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử một cách có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan là cần thiết và cấp bách, để từ đó đặt nền móng pháp lý cho việc ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội bao gồm buôn lậu, tiếp cận trái phép đến giới trẻ và những người đã cai thuốc, cũng như những tuyên bố khoa học chưa được kiểm chứng, quảng cáo trá hình... Đây cũng chính là những mục tiêu mà WHO đã đặt ra nhằm chống bình thường hóa việc hút thuốc. Việc sớm hiện thực hóa điều này sẽ giúp đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá đều chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho xã hội, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trước thềm COP10 sắp tới.