Nhiều vụ bán đấu giá không thành
Tính đến 30/3/2018, toàn quốc có 5.603 việc bán đấu giá không thành tương ứng với tổng số tiền hơn 7.000 tỷ đồng. Hầu hết các tài sản được đưa ra bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành đều là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có nhiều bất lợi trong giao dịch như tài sản nằm ở vị trí không thuận lợi cho sinh hoạt, tài sản có giá trị nhưng xảy ra tranh chấp giữa họ hàng, người thân của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của nhiều bên. Điều này dẫn đến tình trạng không có người đăng ký mua tài sản khi đưa ra bán đấu giá.
Một nguyên nhân khác dẫn tới thực trạng trên là do người có nhu cầu mua tài sản còn tâm lý e ngại việc mua tài sản bán đấu giá vì hiệu quả giao tài sản cho người mua thấp nên mặc dù giá không cao hoặc đã hạ giá nhiều lần, thấp hơn giá trị thực tế nhưng vẫn không có người đăng ký mua. Một số vụ việc tài sản để thi hành án được định giá cao so với thực tế dẫn đến việc bán đấu giá không thành.
Trong một số vụ việc, Chấp hành viên chậm thực hiện việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với các tổ chức bán đấu giá. Về việc giảm giá tài sản, mỗi lần giảm giá rất ít, chỉ từ 1-2% tổng giá trị tài sản bán đấu giá không thành dẫn đến việc bán đấu giá nhiều lần nhưng do giá vẫn còn quá cao nên không có người mua.
Còn đối với những vụ việc đã bán đấu giá thành, có không ít việc chưa giao được tài sản cho người mua. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, số việc bán đấu giá thành là 1.535 việc, tương ứng hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 600 việc đã bán đấu giá tồn đọng, chưa giao tài sản cho người mua. Việc chậm giao tài sản cho người mua tài sản xuất phát từ một trong các lý do như người mua trúng đấu giá chậm nộp tiền mua tài sản theo quy định và hợp đồng mua bán tài sản, thông báo giao tài sản không đúng hiện trạng tài sản đã bán đấu giá. Chấp hành viên không hoặc chậm ban hành quyết định giao tài sản, chậm xây dựng kế hoạch giao tài sản. Việc thống kê, phân loại các lý do, nguyên nhân chậm giao tài sản của chấp hành viên chưa thực sự chính xác. Thậm chí, còn có một số Chấp hành viên không thực hiện việc tác nghiệp kể từ khi được phân công tổ chức thi hành đến khi chuyển cho Chấp hành viên khác.
Cần xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp
Để nâng cao hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản thi hành án, cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản. Ví dụ, để thực hiện quy định thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS. Theo đó, thời hạn để Chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá tăng từ 10 ngày lên 15 ngày cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản. Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức và phong phú về nội dung trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS, bán đấu giá tài sản nói riêng để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định và có tâm lý yên tâm khi mua tài sản đấu giá.
Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm và năng lực của Chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, hạn chế tối đa việc khiếu nại, tố cáo về trình tự thủ tục thi hành án. Các cơ quan THADS cần xử lý nghiêm các Chấp hành viên có hành vi vi phạm trong tổ chức thi hành án nói chung và hoạt động bán đấu giá nói riêng. Xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp, tiến hành thẩm định giá chính xác, sát với giá trị thực của tài sản để tránh trường hợp cơ quan THADS phải giảm giá nhiều lần mới có người đăng ký mua tài sản. Đối với các tài sản là bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm hoặc các tài sản khác khi chuyển nhượng phải nộp thuế... thì cơ quan THADS phải làm việc với các cơ quan hữu quan và thông báo công khai các nội dung đó để người mua có nhu cầu đăng ký mua tài sản đấu giá biết, cân nhắc khi tham gia mua tài sản và làm rõ tình trạng pháp lý khi thực hiện việc đăng ký tài sản.