Theo Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Theo đó, có thể thấy tính chất nước ngoài có thể được thể hiện ở chủ thể: Một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; hoặc ở đối tượng: quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt tại nước ngoài, hoặc đối tượng của quan hệ đó (tài sản, sự vật, sự việc) ở nước ngoài.
Việc thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại BLTTDS; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Luật Tương trợ tư pháp; Các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước về lĩnh vực công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; Nghị định số 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Trong thực tiễn, việc THA có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Về việc xác minh địa chỉ người phải THA, chấp hành viên phải tiến hành xác minh nhiều lần về địa chỉ cũng như nơi đến của người phải THA tại nước ngoài nhưng rất khó khăn để tìm kiếm thông tin, trong khi đây là cơ sở then chốt để thực hiện việc thông báo THA hoặc ủy thác tư pháp (UTTP)… Việc cung cấp thông tin của người phải THA của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng còn nhiều hạn chế như thông tin người phải THA đi đến nước nào và thời hạn cấp phép xuất cảnh là bao lâu quay về Việt Nam thì nhiều trường hợp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không nắm được.
Thời gian để tiến hành UTTP thường bị kéo dài. Ước tính sơ bộ về thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ UTTP và quá trình UTTP theo quy định hiện hành đến khi có kết quả UTTP là hơn 06 tháng (Điều 50 Nghị định 62/2015/NĐ-CP). Đó là chưa kể trong quá trình ủy thác vì lý nào đó, cơ quan nhận ủy thác không nhận được thì cơ quan UTTP phải thực hiện lại lần hai theo quy định và thời gian thực hiện lần hai là thêm 3 tháng.
Như vậy, tổng thời gian thực hiện cả hai lần là khoảng 9 tháng và nếu sau việc UTTP lần thứ hai mà cơ quan THA không nhận được thông báo kết quả UTTP thì cơ quan THADS căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết theo quy định. Ngoài ra, chi phí UTTP và các chi phí liên quan trong nhiều vụ UTTP lại nhiều hơn nghĩa vụ phải THA, gây khó khăn trong việc thu hồi các chi phí liên quan đến UTTP.
Về việc xác định yếu tố nước ngoài trong THADS để thực hiện ủy thác THA cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo quy định tại Điều 56 Luật THADS thì cơ quan THADS ủy thác cho cơ quan THADS cấp tỉnh nơi khác thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài (không thực hiện ủy thác cho cơ quan THADS cấp huyện đối với những vụ việc này). Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vụ việc khi xét xử có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là những vụ việc tranh chấp chia thừa kế, nhưng khi đưa ra THA, các nghĩa vụ của từng người phải THA là riêng rẽ, không liên quan đến các yếu tố nước ngoài.
Vì thế, khi tổ chức thi hành bản án còn có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, việc xác định có yếu tố nước ngoài hay không cần xác định theo nghĩa vụ THA của từng người phải THA. Nếu nghĩa vụ THA có yếu tố nước ngoài (có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải UTTP về thi hành án) thì không thực hiện ủy thác cho cơ quan THADS cấp huyện; nếu nghĩa vụ THA không có yếu tố nước ngoài thì vẫn có thể ủy thác cho cơ quan THADS cấp huyện thi hành, việc ủy thác này cũng góp phần làm giảm áp lực cho các cơ quan THADS cấp tỉnh.
Do còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này nên cần hướng dẫn, quy định cụ thể như thế nào được gọi là “việc thi hành án có yếu tố nước ngoài” trong THADS mà không căn cứ vào yếu tố nước ngoài theo bản án, quyết định để phù hợp với giai đoạn THA.