Vấn đề định giá tài sản kê biên được quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Điều 25, Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.
Theo Điều 98 Luật THADS, có ba cách để xác định giá khởi điểm tài sản kê biên, gồm: Định giá bằng sự thỏa thuận của đương sự; định giá do tổ chức thẩm định giá thực hiện và định giá do chấp hành viên xác định. Trong trường hợp các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá tài sản kê biên và cũng không thỏa thuận được về tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ và trường hợp thi hành án chủ động thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên.
Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ thẩm định giá theo điểm a khoản 3 Điều 98 Luật THADS thì chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Về thời hạn thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá kê biên, theo quy định tại Điều 98 Luật THADS: Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
Tuy nhiên đa số ý kiến cho rằng quy định về thời hạn cho đương sự thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá hiện nay là chưa rõ ràng. Quy định :“Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá” dẫn đến khi áp dụng luật, chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thực hiện ngay lập tức việc thỏa thuận về giá hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, mà không phải là sau khi kê biên hoặc thỏa thuận trong một thời hạn nhất định sau khi kê biên.
Trên thực tế chấp hành viên thường áp dụng giải pháp là khi thông báo kê biên tài sản chấp hành viên đồng thời thông báo về quyền xác định giá tài sản và quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá cho các đương sự và tại buổi kê biên chấp hành viên giải thích cho đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, lập biên bản về nội dung thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản kê biên.
Mặt khác việc xác định mốc thời gian ký hợp đồng định giá tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS là “ 5 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản” như hiện nay là chưa thực sự hợp lý, dẫn đến trong thực tế, chấp hành viên phải áp dụng giải pháp linh hoạt để phù hợp quy định về thời hạn này đó là trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Do đó đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 98 Luật THADS theo hướng quy định một khoảng thời hạn nhất định (kể từ ngày tổ chức kê biên tài sản) để đương sự, hoặc giữa người được thi hành án và người thứ ba là người có tài sản bảo lãnh có tài sản thế chấp thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản kê biên. Và mốc thời gian để chấp hành viên ký hợp đồng định giá sẽ tính từ ngày đương sự không thoả thuận được về giá, về tổ chức thẩm định giá thay cho mốc thời gian” kể từ ngày kê biên” như hiện nay.