Tiếp tục Phiên họp, chiều 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam; cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Dự thảo Luật bổ sung quy định các khoản thu nhập khác (ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính) của doanh nghiệp nói chung, các khoản thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài (có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) và khoản thu nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định việc lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính; đối với doanh nghiệp nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số thực hiện kỳ tính thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Sửa đổi, bổ sung quy định để cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế.
Dự thảo Luật bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định cụ thể về phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với các đối tượng là: doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú phát sinh thu nhập tại Việt Nam; trường hợp hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập đối với tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng.
Theo ông Cao Anh Tuấn, với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo Luật quy định chi tiết về đối tượng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa quy định pháp luật hiện hành nhưng có rà soát nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách ưu đãi thuế. Trong đó, không áp dụng ưu đãi đối với các ngành, nghề ưu đãi có tính trùng lắp, dàn trải.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ lần hai về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, các nội dung được Cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, hoàn chỉnh là chưa toàn diện; dự thảo Luật mới lược bỏ một phần các nội dung dự kiến luật hóa từ các văn bản dưới luật; một số sửa đổi khác không làm thay đổi nội dung chính sách, chủ yếu là giao thẩm quyền cho Chính phủ và chỉnh lý văn bản.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Dự thảo Luật sau chỉnh lý vẫn còn nhiều điều khoản đang được luật hóa quy định của văn bản dưới luật và không có giải trình về tính phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội. Ngoài ra, các nội dung quy định về ưu đãi thuế rất chi tiết và phức tạp với nhiều mức độ ưu đãi khác nhau, về thuế suất, về thời gian miễn, giảm, về các trường hợp kéo dài ưu đãi, về tiêu chí điều kiện hưởng ưu đãi...; các đối tượng áp dụng Luật khó có thể tự chứng minh, tự xác định việc đáp ứng điều kiện để thực hiện tự khai, tự tính thuế cũng như khả năng thực hiện hậu kiểm của cơ quan quản lý.
Theo ông Lê Quang Mạnh, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề then chốt của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước tiên, đây là chính sách quan trọng để khuyến khích, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, tình hình mới với các làn sóng cạnh tranh, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ cần hoạch định các chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp một cách rõ ràng và tổng thể, tạo cơ sở vững chắc để thể hiện trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như các Luật chuyên ngành khác đang được thảo luận một cách nhất quán.
Để có cơ sở trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đề nghị cần có sự thống nhất trong các cơ quan của Chính phủ về các chính sách khuyến khích đầu tư để có phương án thể hiện một cách phù hợp trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, liên quan đến Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành hiện hành và các Dự án Luật chuyên ngành khác đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua tại Kỳ họp này và tới đây.
Về tính khả thi đối với một số quy định của dự thảo Luật, ông Lê Quang Mạnh cho hay, các khoảng trống về pháp luật trong dự thảo Luật vẫn chưa có phương án giải quyết để bảo đảm tính khả thi của chính sách, bao gồm các nội dung về: việc đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập nhận được từ nguồn gốc Việt Nam từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn...; các quy định về điều kiện để được hưởng các ưu đãi thuế đặc biệt, thẩm quyền quy định các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đặc biệt cụ thể. Các nội dung khác về các biện pháp chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh, điều kiện mới chưa được giải quyết và chưa được Cơ quan soạn thảo giải trình.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chưa đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định. Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật. Xây dựng phương án giải quyết những vấn đề còn khoảng trống trong chính sách chưa được làm rõ để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện Luật./.