Sau một thời gian chững lại, thị trường bất động sản của cả nước đang có dấu hiệu ấm lên. Và ở TP.HCM căn hộ trung bình đang thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng.
Thị trường bất động sản thuộc phân khúc trung bình và khá sẽ sôi động. |
Tại TP.HCM, nhu cầu phân khúc căn hộ giá trung bình vẫn sôi động với nhiều giao dịch đang diễn ra. Chỉ trong ba tháng từ 4 - 6/2010, đã có hơn mười dự án căn hộ giá trung bình được đưa ra thị trường.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills Vietnam, nguồn cung của thị trường căn hộ trong quý 2/2010 tăng 24% và giao dịch mua bán căn hộ cũng tăng 26% so với quý 1/2010. Trong số khoảng hơn 3 ngàn căn hộ được chào bán, tỷ lệ giao dịch thành công chiếm đến 71% và phân khúc căn hộ giá trung bình chiếm tới 74% trong tổng số căn hộ bán ra trong quý. Trong quý 3/2010, dự kiến sẽ có 8 dự án được động thổ, khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 4.300 căn hộ vào năm 2011 - 2012, chủ yếu là căn hộ có giá trung bình.
Nhìn ở mức độ tổng thể, theo một số nhà chuyên môn, từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản thuộc phân khúc trung bình và khá sẽ sôi động. Tiến sĩ Lê Chí Sĩ - Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức - nhận định, trong thời gian qua giá nhà ở tại hai thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội vẫn có xu hướng tăng hoặc chững lại chứ không hề giảm. Ông đưa ra dự báo, trong ngắn hạn, năm 2010 và những năm tiếp theo, phân khúc nhà ở hạng trung và trung cao sẽ hấp dẫn nếu nhà đầu tư biết lựa chọn vị trí đặt dự án phù hợp với quy hoạch phát triển và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cụ thể, ở phân khúc căn hộ giá thấp (dưới 800 triệu đồng/căn), cung vẫn không đáp ứng nổi cầu. Trong khi rất nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu mua căn hộ loại này để ở thì nhiều nhà đầu tư không mặn mà với những dự án này vì môi trường kinh doanh không thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận thấp chưa kể rủi ro trong thanh toán. Ở phân khúc căn hộ giá trung bình (giá khoảng 500 – 800 USD/m2) hàng loạt dự án được tung ra trong thời gian gần đây như chung cư cao tầng Mỹ An, THD –Trường Thọ Aparment, Sun View, cao ốc New Tower Aparment, Babylon Resident…và dự đoán phân khúc này sẽ làm sôi động thị trường trong nửa cuối năm 2010.
Đối với căn hộ trung cao (giá khoảng 800 – 1.200 USD/m2), phân khúc này đang được giới trẻ có thu nhập khá ưa chuộng và phù hợp với khả năng chi trả của họ trong 5 – 10 năm tới. Dự báo phân khúc này sẽ thu hút sự quan tâm của tầng lớp trung lưu trong năm nay và các năm tới. Riêng đối với phân khúc căn hộ hạng sang (giá trên 2.000 USD/m2 ), ông Sĩ cho rằng giao dịch trên phân khúc này vẫn có, nhưng khó sôi động vì nhu cầu không lớn nên thị trường ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên trong dài hạn, những dự án cao cấp có địa điểm thuận lợi, dịch vụ đẳng cấp và giá trị gia tăng cao vẫn chiếm một thị phần đáng kể.
Tại TP.HCM, hiện có hơn 317.000 m2 diện tích sàn xây dựng của 24 trung tâm thương mại với tỷ lệ lắp đầy 94,4%. Dự báo đến năm 2013, lượng cung diện tích bán lẻ tăng gấp ba hiện tại, đạt hơn 1 triệu m2 và chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn năm ngoài khu trung tâm. |
Để thị trường bất động sản phát triển, Tiến sĩ Lê Chí Sĩ lưu ý, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nguồn vốn là quan trọng nhất. Đến nay, lượng cung vốn cho thị trường bất động sản vẫn còn hạn chế. Một mặt, do tiềm lực các nhà đầu tư còn thấp, mặt khác, hành lang pháp lý chưa đầy đủ khiến dòng tiền đổ vào thị trường này vẫn còn ngập ngừng. Do đó, cần sớm đưa ra hành lang pháp lý với một loạt văn bản như Luật đăng ký bất động sản, Luật về Quỹ tiết kiệm bất động sản, Luật về các loại hình quỹ đầu tư bất động sản, văn bản pháp luật về trái phiếu bất động sản…làm cơ sở để huy động vốn từ trong dân, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý rủi ro, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển bền vững, tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư và góp phần khơi thông dòng vốn.
Xu hướng bất động sản bán lẻ của TP.HCM được đúc kết là nhu cầu vẫn cao do các nhà bán lẻ quốc tế muốn mở rộng thị trường, trong khi khách thuê đang tìm kiếm mặt bằng bán lẻ hạng sang tại khu vực trung tâm.
Ngọc Quý- Ngọc Hùng