Cần nhận diện lại ngành Dầu khí
Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Dầu khí. Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Trước bối cảnh và tình hình mới với rất nhiều thay đổi so với những dự báo trước đây; Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện cho sự phát triển đối với ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và PVN nói riêng trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong quý II năm 2023.
Theo ông Trần Tuấn Anh, cần nghiên cứu, làm rõ tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 về kết quả đạt được; những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là những vướng mắc chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cần Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ để PVN cũng như ngành Dầu khí Việt Nam phát triển trong tình hình mới.
Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần nhận diện, phân tích và làm rõ về bối cảnh và tình hình mới (so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết 41) sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, nhất là các xu hướng về chuyển dịch năng lượng, xanh hóa và thông minh hóa. Ngoài ra, cũng cần làm rõ định hướng mở rộng các lĩnh vực hoạt động của PVN gắn với việc tái cơ cấu để trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng phát triển bền vững…
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị PVN phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục đánh giá toàn diện các vấn đề theo nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW để bổ sung cơ sở đề xuất, kiến nghị cho Đề án; đề nghị các bộ, ngành liên quan cần đặc biệt chú trọng phối hợp với PVN có ý kiến cụ thể, sâu hơn về các nội dung quan trọng trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án. Tổ Biên tập xây dựng Đề án sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến, chắt lọc tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án trong thời gian sớm nhất trình Bộ Chính trị.
Sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN cho biết, sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết, PVN phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là “khủng hoảng kép” từ đại dịch COVID-19 và giá dầu suy giảm, diễn biến bất thường. Song, năm 2019 Tập đoàn đã “về đích an toàn” và năm 2020 “ngoạn mục vượt khó”; năm 2021, Tập đoàn không chỉ “phục hồi tăng trưởng” mà còn “tăng tốc phát triển”. Nhất là 2022, PVN đã đạt nhiều kỷ lục trong suốt quá trình phát triển về sản lượng khai thác, sản xuất phân đạm, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách...
Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch PVN cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, đã xuất hiện những khó khăn, thách thức lớn tác động tới hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn của Tập đoàn. Đó là những khó khăn về phạm vi, địa bàn hoạt động; liên quan tới cơ chế chính sách; là các thách thức do tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng và cả những khó khăn về thị trường.
“Những khó khăn, thách thức này cần được rà soát đánh giá toàn diện để trên cơ sở đó đề xuất với Đảng và Nhà nước về các điều chỉnh chiến lược phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới”, Chủ tịch PVN nói.