Căn cứ tính trợ cấp thôi việc đối với công chức

Căn cứ tính trợ cấp thôi việc đối với công chức
(PLO) - Bà Nguyễn Thị Thêu (Hà Nội) đề nghị được hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thôi việc đối với trường hợp là công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển.

Theo phản ánh của bà Thêu, ông Nguyễn Văn Hải được tuyển dụng công chức không qua thi tuyển vào Chi cục Thú y từ ngày 1/3/216. Đến ngày 20/8/2018, ông Hải có đơn xin nghỉ việc và đề nghị hưởng chế độ thôi việc.

Căn cứ Điều 5, Điều 6 Nghị định 142/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, cơ quan xác định thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc của ông Hải từ ngày 1/3/2016 đến ngày 31/8/2018 là 2 năm 6 tháng, tương ứng với 1,5 tháng lương hiện hưởng.

Bà Thêu được biết, Điều 6 Nghị định 142/2010/NĐ-CP quy định tính cả thời gian làm việc trong công ty Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Sau khi rà soát sổ BHXH, thể hiện trước khi được tuyển dụng vào Chi cục Thú y, ông Hải có thời gian công tác tại 1 công ty cổ phần có vốn Nhà nước, nhưng không liên tục. Cộng dồn thời gian thì được 5 năm. Nhưng trong hồ sơ gốc công chức không thấy có văn bản tuyển dụng của doanh nghiệp Nhà nước đối với ông Hải.

Bà Thêu hỏi, việc cơ quan tính trả trợ cấp thôi việc đối với ông Hải bằng thời gian làm việc tại Chi cục Thú y là 2 năm 6 tháng tương ứng với 1,5 tháng lương hiện hưởng có đúng không, hay phải tính cả thời gian làm ở công ty cổ phần 5 năm và cộng dồn là 7 năm 6 tháng, tương ứng 3,75 tháng lương hiện hưởng?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Thêu hỏi như sau:

Hiện nay chế độ thôi việc đối với công chức áp dụng Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức (có hiệu lực từ ngày 1/7/2010; tình trạng còn hiệu lực). Không thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào mang số hiệu 142/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức như bà Nguyễn Thị Thêu đã nêu.

Điều 5 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP quy định, công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau:

Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng một tháng lương hiện hưởng.

Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc

Điều 6 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP quy định, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng BHXH (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp phục viên, bao gồm:

- Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

- Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;

- Thời gian làm việc trong công ty Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

- Thời gian làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng;

- Thời gian nghỉ được hưởng lương theo pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về BHXH;

- Thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai;

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác theo quy định tại Điều 81 của Luật Cán bộ, công chức;

- Thời gian được bố trí làm việc khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.

Thời gian làm việc quy định nêu trên, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau:

- Dưới 3 (ba) tháng thì không tính;

- Từ đủ 3 (ba) tháng đến đủ 6 (sáu) tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm làm việc;

- Từ trên 6 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng thì được tính bằng 1 (một) năm làm việc.

Trường hợp cụ thể, bà Nguyễn Thị Thêu hỏi về việc giải quyết trợ cấp thôi việc đối với ông Hải: Để xác định ông Hải có được tính hưởng trợ cấp thôi việc đối với thời gian làm việc tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước hay không, cần phải xác định rõ khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại thời điểm tính trợ cấp.

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, tình trạng còn hiệu lực), thì doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chỉ tồn tại theo hình thức duy nhất là công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cùng với đó, Khoản 3, Điều 73 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, công ty TNHH 1 thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

Như vậy, hiện nay loại hình công ty cổ phần có vốn của Nhà nước không còn được xác định là doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, thời gian ông Hải làm việc tại 1 công ty cổ phần có vốn Nhà nước không được coi là thời gian làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước; thời gian đó không được tính hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP.

Việc cơ quan xác định thời gian ông Hải làm việc tại Chi cục Thú y để tính trợ cấp thôi việc bằng 2 năm 6 tháng, tương ứng với 1,5 tháng lương hiện hưởng, mà không tính thời gian đã làm việc 5 năm tại công ty cổ phần là đúng quy định.

Mặt khác, kể từ ngày 1/1/1995, pháp luật về lao động không còn quy định chế độ chuyển công tác đối với người lao động theo hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động thôi việc ở doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước) để tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức Nhà nước, thì chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp mình.

Việc tính trả trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 1/5/2013 áp dụng quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 1994.

Việc tính trả trợ cấp thôi việc từ ngày 1/5/2013 trở đi áp dụng quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo luật sư, quy định về thời gian tính trợ cấp thôi việc tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với trường hợp người lao động chuyển công tác từ doanh nghiệp Nhà nước vào cơ quan, tổ chức Nhà nước trước ngày 1/1/1995 và làm việc từ thời gian đó cho đến khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức Nhà nước. 

Đọc thêm

Hà Nội: Những bước tiến lớn trong cải cách hành chính

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ về cải cách hành chính.
(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ, một trong những vấn đề rất quan trọng trong cải cách hành chính là, xác định nhận thức với một tâm thế, tinh thần, tư tưởng phục vụ, điều này đã lan tỏa từ người đứng đầu xuống đến hệ thống, xuống đến cán bộ bên dưới. 

Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn: Nỗ lực bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bạo hành

Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn.
(PLVN) - Trên con đường thực hiện ước mơ của mình, luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Có những vụ án, dù đã “đóng sổ” song luật sư Hạnh vẫn là chỗ dựa tinh thần, là “người mẹ”, giúp đứa trẻ bị tổn thương “chữa lành”.

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”
(PLVN) - Hơn 20 năm làm luật sư, cơ duyên của nghề đã đưa tôi đến với nhiều thân chủ là phụ nữ. Mỗi người có cuộc đời và hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung một nỗi đau từ sự bạo hành trong hôn nhân

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết
(PLVN) - Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có bài phản ánh việc ông Nguyễn Xuân Hoa và Nguyễn Xuân Nho (ngụ số 4, số 6 ngách 8/74 đường Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có đơn phản ánh về việc mới đây một cá nhân ngụ hẻm 8/64/1 Dương Đình đã đập tường phía sau nhà cũ, mở lối đi vào ngách 8/74 đường Dương Đình có dấu hiệu chưa phù hợp quy định.

UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trả lời một số phản ánh của cư dân chung cư Thảo Điền Pearl

Chung cư Thảo Điền Pearl. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)
(PLVN) - Báo PLVN vừa nhận được Văn bản 750/UBND của UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM) đề ngày 18/10/2024 trả lời một số vấn đề xảy ra tại chung cư Thảo Điền Pearl (số 12 đường Quốc Hương; do Cty CP Địa ốc và Xây dựng SSG2 làm chủ đầu tư (CĐT)). Tại chung cư này, thời gian qua giữa Cty SSG2, Ban quản trị tòa nhà (BQT) và cư dân đã phát sinh một số bất đồng, mâu thuẫn cần giải quyết.

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn
(PLVN) - Theo Bộ KH&ĐT, việc UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Núi Thành (dự án vốn vay ODA) đến năm 2025 là không có cơ sở. Tỉnh cần làm rõ nguyên nhân không hoàn thành đúng tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp thực hiện.