Ngày 1/4, thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước và góp ý bổ sung một số vấn đề.
Về kiến nghị xử lý kiểm toán, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) cho rằng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo ĐB, trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần nêu rõ hơn về những kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội để có các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
"Các đơn vị được kiểm toán, khi bị kiến nghị về các xử lý vấn đề tài chính, cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến các quy định của văn bản… đề nghị kiểm toán tổng hợp lại báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội. Tôi cũng đề nghị các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện, thì cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện”, ĐB Nguyễn Trường Giang phát biểu.
ĐBQH Hoàng Văn Cường. |
Cũng bàn về việc xử lý tài chính, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) ghi nhận: “Chúng ta biết rằng, nhiệm kỳ qua, vấn đề kiểm soát, quản lý tham nhũng rất tốt, điều này giúp cho tính chất kiên định, bản lĩnh của Kiểm toán Nhà nước được nâng cao trong việc phòng chống tham nhũng. Số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm cung cấp cho cơ quan Quốc hội”.
Ngoài ra, các số liệu đã đi giám sát, thông tin chất lượng nhất cũng dựa vào các số liệu từ Kiểm toán Nhà nước. Do vậy, ĐB Cường đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước, thể hiện được sự cương trực, bản lĩnh của kiểm toán và lực lượng Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, ông Cường kiến nghị, cần phải công khai các kết luận kiểm toán, bởi Luật Kiểm toán đã quy định việc công khai các kết luận kiểm toán trên các hệ thống thông tin để mọi người tiếp cận. Tuy nhiên, việc tiếp cận các báo cáo kiểm toán hiện vẫn rất khó khăn,…
Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH quan tâm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: “Về công khai kết luận kiểm toán, chúng tôi thực hiện các hình thức công khai như trong Luật Kiểm toán Nhà nước tương đối nghiêm và sắp tới sẽ làm tốt hơn. Về kiểm soát chất lượng kiểm toán, chúng tôi thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán, thực hiện kiểm toán, kiểm soát chất lượng đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chéo. Chúng tôi cho rằng, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước”.