Việc xác nhận kết quả thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại Điều 53 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 53 Luật THADS và khoản 1 Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì người có quyền yêu cầu cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án bao gồm đương sự hoặc thân nhân của họ. Theo Điều 3 Luật THADS thì đương sự bao gồm: người được thi hành án, người phải thi hành án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn bên cạnh các đối tượng trên thì người yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án trong một số trường hợp cũng có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ví dụ trong các việc thi hành án liên quan đến tài sản cầm cố thế chấp của người thứ ba…).
Do đó, Luật THADS nên bổ sung thêm chủ thể có quyền đề nghị cơ quan THADS xác nhận kết quả thi hành án bao gồm cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc bổ sung chủ thể này là hợp lý vì theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật THADS thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Về phạm vi xác nhận kết quả thi hành án, tại Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Nội dung của văn bản xác nhận phải thể hiện rõ khoản nghĩa vụ theo bản án, quyết định, nghĩa vụ phải thi hành theo quyết định thi hành án và kết quả thi hành án cho đến thời điểm xác nhận.
Kết quả thi hành án được xác nhận thể hiện việc đương sự đã thực hiện xong toàn bộ hoặc một phần quyền, nghĩa vụ của mình theo quyết định thi hành án hoặc thi hành xong nghĩa vụ thi hành án của từng định kỳ trong trường hợp việc thi hành án được tiến hành theo định kỳ.
Tuy nhiên, hiện vẫn có quan điểm chưa thống nhất về việc xác nhận kết quả thi hành án trong trường hợp ủy thác thi hành án mà cơ quan thi hành án trước đó đã thi hành được một phần nghĩa vụ.
Ví dụ: Trường hợp A phải thi hành khoản bồi thường cho B số tiền 200.000.000đ. Chi cục THADS huyện H thi hành xong một phần tiền là 50.000.000đ, sau đó ủy thác đến Chi cục THADS huyện X. A đề nghị cơ quan THADS huyện X xác nhận về số tiền A đã thi hành án.
Có quan điểm cho rằng: Cơ quan THADS huyện X chỉ xác nhận đối với phần Chi cục THADS huyện X tổ chức thi hành (theo quyết định thi hành án), còn đối với phần nghĩa vụ do cơ quan THADS huyện H thi hành thì cơ quan THADS huyện X không có thẩm quyền xác nhận.
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì việc xác nhận thực hiện “theo quyết định thi hành án”, do đó phần quyết định thi hành án mà cơ quan THADS huyện H thi hành trước đó thì cơ quan THADS huyện X có được xác nhận không?
Đây là một vấn đề vẫn còn có những quan điểm khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất. Do đó cần quy định rõ hơn: Đối với trường hợp ủy thác thi hành án mà cơ quan thi hành án nơi ủy thác đã thi hành xong một phần nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan THADS nhận ủy thác khi tổ chức thi hành xong vụ việc có quyền xác nhận toàn bộ quá trình thi hành án để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án.
Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới, việc xác nhận kết quả thi hành án cũng gặp vướng mắc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới thì thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.
Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó”.
Như vậy, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà một người đã thi hành toàn bộ nghĩa vụ cho những người còn lại thì việc xác nhận kết quả thi hành án đối với các đối tượng còn lại sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là một vấn đề cần có quy định cụ thể hơn để các cơ quan THADS thống nhất thực hiện.