Thu hồi tài sản với án tham nhũng, kinh tế chỉ đạt 6,57%
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong nước đã khó, việc hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản phạm tội mà có liên quan đến yếu tố nước ngoài càng khó hơn nhiều.
Việc thu hồi tài sản qua công tác thi hành án năm 2018 chỉ đạt 17,61% về tiền, đối với án tham nhũng kinh tế chỉ đạt 6,57%. Còn đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) theo dõi, chỉ đạo thì tỉ lệ này là trên 31%.
Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP – đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật PCTN, trong đó đã lồng ghép nhiều vấn đề mới xuất hiện và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát tham nhũng trong cả khu vực công và tư, thu hẹp phạm vi kê khai tài sản, tăng cường chế tài đối với những hành vi vi phạm luật pháp trong PCTN.
Tuy nhiên, bà Akiko Fujii cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập trong theo dõi dấu vết tài sản và cơ chế để thu hồi các tài sản này. Việt Nam cũng còn dè dặt trong các quy định về làm giàu bất hợp pháp.
Theo ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ, pháp luật quy định tài sản bị tịch thu gồm tài sản tham nhũng và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng Bộ luật Hình sự lại còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng “ẩn nấp” như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn.
Hạn chế này của pháp luật cùng với thực tế việc Việt Nam chưa kiểm soát được việc tiêu dùng bằng tiền mặt đã gây ra một số khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc của tài sản tham nhũng, đặc biệt, trong bối cảnh tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, tài sản tham nhũng thường được đối tượng phạm tội tẩu tán ra nước ngoài, chuyển đổi hình thức sở hữu để “tẩy rửa” nguồn gốc hợp pháp.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự còn thiếu những giải pháp cho phép truy tìm tài sản tham nhũng, nhất là tài sản ở người thứ 3; không coi tài sản do phạm tội mà có, thiệt hại (trực tiếp và gián tiếp) là đối tượng bắt buộc chứng minh để làm căn cứ cho việc thu hồi tài sản, áp dụng các biện pháp tư pháp hiệu quả…
Chưa kể, tuy Bộ luật Dân sự đã quy định việc kiện dân sự để đòi lại tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại do tham nhũng… nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định cơ quan, tổ chức là chủ sở hữu hoặc quản lý hợp pháp tài sản mới có thẩm quyền khiếu kiện là thiếu khả thi.
Cân nhắc coi hành vi làm giàu bất chính là tội phạm
Theo ông Minh, một số quy định về thu hồi tài sản trong Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và theo các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền vẫn chưa được nội luật hóa hoặc chưa áp dụng như chưa có quy định về thu hồi sản tham nhũng không qua kết án, Luật Tương trợ tư pháp chưa có các quy định cụ thể về phát hiện, thu hồi, chuyển giao tài sản tham nhũng hay chia sẻ thông tin với cơ quan nước ngoài liên quan đến tài sản tham nhũng...
Từ thực tế này, cần nghiên cứu việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng, qua đó buộc tội người có hành vi tham nhũng và để thu hồi tài sản tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có quy định rõ các biện pháp tạm thời như phong tỏa tài khoản, niêm phong và tạm giữ tài sản nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, đổi chác, tiêu hủy tài sản thuộc diện bị tịch thu…
PGS.TS Vũ Công Giao - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội – cũng cho rằng, để thu hồi tài sản tham nhũng thì cần có cơ chế để kiểm soát tài sản, cần cân nhắc hình sự hóa tội làm giàu bất chính làm cơ sở để có thể phát hiện tài sản tham nhũng.
Nếu không hình sự hóa thì không có cơ sở để buộc những người có tài sản bất minh có trách nhiệm giải trình đối với tài sản, thu nhập của mình, từ đó khó có thể thu hồi tài sản. Bên cạnh đó cũng nên xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho việc trao đổi, cung cấp thông tin so sánh, xác minh tài sản, thu nhập.
Bình luận tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự – Hành chính Bộ Tư pháp Lê Thị Vân Anh chỉ ra rằng: Việt Nam đang sử dụng tiền mặt nhiều nên khó có thể thống kê được thu nhập hợp pháp của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Vì vậy, cần có những bước đột phá trong thu hồi tài sản, mà một trong những bước đột phá đầu tiên là thu hồi tài sản không phụ thuộc vào kết án. Đây là điều rất quan trọng, là bước tiến lớn, giải pháp mạnh mẽ trong công cuộc thu hồi tài sản, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo quy định hiện nay, khi có nghi ngờ tài sản bất minh thì việc chứng minh phụ thuộc vào cơ quan tố tụng, người bị nghi ngờ không chứng minh được cũng không sao. Do đó, cần có những cơ chế thu hồi tài sản không phụ thuộc vào bị kết án.