Theo quy định của Bộ Y tế, đến ngày 1-1-2011, 100% cơ sở bán buôn, phân phối và bán lẻ thuốc tại quầy phải đạt tiêu chuẩn thực hành phân phối thuốc tốt (Good Distribution Practices - GDP) và thực hành quản lý nhà thuốc tốt (Good Pharmacy Practice - GPP), nếu không đạt tiêu chuẩn trên, việc sản xuất, phân phối, bán lẻ sẽ bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP tại thành phố Đà Nẵng còn khá ít.
Chậm do nhiều lý do
Nhà thuốc Bệnh viện Đà Nẵng được công nhận đạt tiêu chuẩn GPP theo quy định của Bộ Y tế |
Tính đến ngày 15-8, toàn thành phố chỉ có 40 cơ sở buôn bán thuốc đạt chuẩn GDP, và chỉ có 41/485 cơ sở bán lẻ đạt tiêu chuẩn GPP.
Trong số những doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố thì Công ty cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng sở hữu gần 260 điểm bán thuốc tây. Tuy vậy, theo dược sĩ Tống Viết Phải, Phó Tổng Giám đốc công ty, mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng hiện tại doanh nghiệp mới chỉ có 6 nhà thuốc đạt GPP. Bên cạnh đó có 15 nhà thuốc đang hoàn tất các hồ sơ thủ tục để tiến hành thẩm định cấp chứng chỉ trong tháng 9-2010. Với 45 dược sĩ đại học đang có, Dapharco cũng chỉ cố gắng đến cuối năm 2010, doanh nghiệp có 45 nhà thuốc đạt GPP theo quy định.
Theo dược sĩ Tống Viết Phải, một trong những nguyên nhân làm chậm lộ trình GPP của doanh nghiệp hiện nay là thời gian thực hiện do Bộ Y tế đưa ra quá ngắn. Trong khi đó, với doanh nghiệp có hàng trăm quầy thuốc, việc chuẩn bị kinh phí và ổn định nơi kinh doanh là điều không dễ. Ngoài ra, quy định khá “khắt khe” là một dược sĩ có trình độ đại học phụ trách một quầy thuốc là yêu cầu quá cao, trong khi hiện tại số dược sĩ có trình độ đại học ở thành phố Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng. “Nếu đầu tư trung bình một quầy thuốc đạt GPP khoảng 60 triệu đồng, thì tổng kinh phí để Dapharco thực hiện 100% quầy thuốc đạt GPP là gần 20 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn, tuy vậy, điều đáng nói là nhiều quầy thuốc có doanh số thấp mà phải đầu tư cao sẽ khiến doanh nghiệp cần phải cân nhắc, thận trọng” - Dược sĩ Phải chia sẻ.
Ngoài các quy định chuyên môn, nhà thuốc GPP phải đáp ứng một số điều kiện như người phụ trách chuyên môn hoặc chủ cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định hiện hành; diện tích kinh doanh tối thiểu của nhà thuốc là 10m2 và phải có khu vực trưng bày, bảo quản thuốc; có khu vực tư vấn thông tin về việc sử dụng thuốc cho người mua; thiết bị bảo quản thuốc phải phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc, điều kiện bảo quản ở nhiệt độ phòng duy trì dưới 30 độ C, độ ẩm không vượt quá 75%... Trên thực tế, rất nhiều nhà thuốc tư nhân, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn cơ sở hạ tầng chưa đạt quy định theo chuẩn đề ra. Song, để thực hiện việc thay đổi, sửa chữa không phải cơ sở nào cũng có đủ tiềm lực, trong khi đó lại không có những chính sách khuyến khích cụ thể từ phía ngành chức năng.
Cần đẩy mạnh thực hiện lộ trình
Tuy số lượng nhà thuốc đạt GPP tại Đà Nẵng còn ít, nhưng từ khi đạt chuẩn, hoạt động của các nhà thuốc này đã đi vào chiều sâu, phục vụ người bệnh có chất lượng hơn. Hoạt động của nhà thuốc GPP không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mua và bán thông thường mà phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu cơ bản mà chuẩn GPP quy định. Trong quá trình bán thuốc, nhà thuốc thực hiện quy trình theo dõi thuốc thường xuyên. Khi bệnh nhân đến khám bệnh và mua thuốc tại bệnh viện đều được tư vấn sử dụng và lưu lại thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại) để khi có bất kể sự cố nào nhà thuốc đều có phản hồi ngay đến người bệnh.
Tiến độ thẩm định và công nhận số nhà thuốc đạt tiêu chuẩn như hiện nay tại thành phố Đà Nẵng được đánh giá là chậm so với lộ trình chung cả nước. Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện, thiết nghĩ ngành Y tế cần phải có thêm những biện pháp mạnh cũng như những chế tài cụ thể và kèm theo đó là những chính sách khuyến khích để tất cả các nhà thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chủ trương này.
Bài và ảnh: Việt Dũng