Phát hiện văn bản trái luật qua công tác kiểm tra
Theo quy định hiện hành về kiểm tra văn bản QPPL tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, trách nhiệm tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đã được Chính phủ quy định cụ thể đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; HĐND, UBND các cấp; chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo đó, trong quá trình tổ chức triển khai công tác kiểm tra văn bản, các cơ quan được giao thẩm quyền kiểm tra văn bản cần có cơ chế gắn kết công tác này với công tác soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật; đặc biệt, trong quá trình triển khai nhiệm vụ tự kiểm tra văn bản do mình ban hành, cơ quan kiểm tra cần gắn kết chặt chẽ việc tự kiểm tra văn bản với việc soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật tại cơ quan, địa phương mình để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là đối với những văn bản có khả năng tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Tại Bộ Tư pháp, thời gian qua, việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản luôn được gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra, sọan thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật trên cơ sở các quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong từng trường hợp văn bản cụ thể. Theo đó, khi thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản cần có sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị thì một đơn vị được phân công chủ trì, các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp thẩm định về nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, đặc biệt phải luôn có sự tham gia phối hợp của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Kiểm tra VBQPPL. Đồng thời, trong quá trình tổ chức kiểm tra văn bản, đặc biệt là kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và đôn đốc xử lý đối với những văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kết luận, Bộ cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương để thông tin, trao đổi, thảo luận bằng hình thức văn bản và các cuộc họp, qua đó phát hiện, xác định văn bản trái pháp luật và đôn đốc xử lý trong trường hợp người, cơ quan ban hành văn bản đó chậm xử lý hoặc xử lý không đúng quy định.
Cần rõ chế tài xử lý
Trong các năm gần đây, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật do các cơ quan cấp bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp luôn được Bộ Tư pháp xác định là nội dung trọng tâm hằng năm trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Trong trường hợp người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật không tự xử lý theo đúng quy định, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền. Trong năm 2018 và năm 2019, thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp đã theo dõi sát sao, quyết liệt đôn đốc, kiến nghị xử lý hiệu quả đối với các văn bản trái pháp luật do cơ quan cấp bộ, địa phương ban hành đã được Cục Kiểm tra văn bản QPPL và các bộ, địa phương phát hiện, kết luận trong năm 2017 và năm 2018.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng Luật ban hành VBQPPL đã xác định mối quan hệ trách nhiệm và phạm vi trách nhiệm của từng chủ thể trong “từng khâu” của quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL như: cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản; cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản về kết quả thẩm định; cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành… Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với việc ban hành trái pháp luật. Khoản 8 Điều 7 của Luật ban hành VBQPPL chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan nếu dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất. Do đó, khi sửa đổi Luật nói trên cần quy định rõ vấn đề này.