Cần có chế tài xử lý hành vi sử dụng các loại súng tự chế gây án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày mai - 29/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Trong quá trình thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Luật, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của QH; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban QPAN đã báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH một số vấn đề lớn, nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Trong đó, về giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” (khoản 2 Điều 3), Thường trực Ủy ban cho biết, có ý kiến cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị cân nhắc vì các loại súng này chưa thỏa mãn khái niệm vũ khí quân dụng; đồng thời cho rằng, quy định của dự thảo Luật có sự trùng lặp khi phân loại vũ khí theo mục đích sử dụng; gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc khi phân loại vũ khí thô sơ thành vũ khí quân dụng gắn với mục đích sử dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật; một số ý kiến khác đề nghị thay cụm từ “xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật” bằng cụm từ “sử dụng với mục đích vi phạm pháp luật”.

Theo Thường trực Ủy ban QPAN, báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 của Bộ Công an cho biết, trong tổng số 2.113 vụ/3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án thì có 1.783 vụ/2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án (gấp 6 lần số vụ, 5 lần số đối tượng so với sử dụng trái phép súng quân dụng), nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Nhưng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành thì một số vũ khí được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), một số là vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng bắn đĩa bay) và nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong Luật. Bên cạnh đó, khi đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại súng này chỉ bị xử lý hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích; mặt khác, nhiều loại súng như súng nén khí, súng bắn đạn bi... chưa có chế tài xử lý.

Vì vậy, cần thiết quy định bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và vũ khí thô sơ vào nhóm vũ khí quân dụng khi gắn với mục đích sử dụng quy định tại Điều 3 dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, phân biệt rõ từng trường hợp cụ thể được xác định là vũ khí quân dụng, Thường trực Ủy ban QPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát, chỉnh lý nội dung và chỉnh sửa kỹ thuật lập pháp quy định về “vũ khí quân dụng” bao gồm: Các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành; Vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này; Các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao nhằm mục đích sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật.

Như vậy, với quy định giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” như khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật, tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc “dao có tính sát thương cao” để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội danh liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng (theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự) hoặc bị áp dụng tình tiết tăng nặng liên quan đến sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị UBTVQH chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH nghiên cứu, rà soát để hướng dẫn cơ quan chức năng sửa đổi hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về xác định tình tiết tăng nặng trong một số tội danh trong Bộ luật Hình sự có quy định sử dụng vũ khí là tình tiết tăng nặng.

Nhóm đối tượng bị bắt vì dùng súng tự chế tấn công tàu cá. (Ảnh: tuoitre.vn)

Nhóm đối tượng bị bắt vì dùng súng tự chế tấn công tàu cá. (Ảnh: tuoitre.vn)

Về khai báo vũ khí thô sơ (Điều 32), Thường trực Ủy ban QPAN cho biết, có ý kiến đề nghị thuyết minh rõ sự cần thiết; mục đích của hoạt động khai báo và phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo, không nhất thiết phải bắt buộc khai báo toàn bộ vũ khí thô sơ; ý kiến khác cho rằng, quy định về quản lý, khai báo vũ khí thô sơ trong đó có dao là khó khả thi; chưa có quy định về thời điểm phải khai báo; quy định khai báo sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh dao; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Có ý kiến đề nghị quy định về khai báo dao có tính sát thương cao theo hướng: đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh và mua bán thì phải khai báo; đối với người dân sử dụng để phục vụ mục đích sinh hoạt thì không phải quy định khai báo, tránh gây phiền hà cho người dân hoặc theo hướng việc buôn bán, vận chuyển dao cần quy định điều kiện cụ thể, như phải để trong tủ có khóa, phải đóng gói, quấn chặt khi vận chuyển...

Thường trực Ủy ban QPAN thấy rằng, vũ khí thô sơ là phương tiện đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và công tác bảo đảm an ninh, trật tự, cần được quản lý chặt chẽ. Trong hoạt động trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo có những loại vũ khí thô sơ vẫn còn khả năng gây sát thương; hiện nay có nhiều bảo tàng có số lượng hiện vật rất lớn.

Do đó, quy định khai báo vũ khí thô sơ được kế thừa quy định tại Điều 30 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, cần thiết để quản lý chặt chẽ, làm cơ sở để xác minh, xác định trách nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm. Vì vậy, Thường trực Ủy ban QPAN đề UBTVQH nghị cho giữ quy định này như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý tên Điều 32 thành “Khai báo vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”; đồng thời bổ sung quy định giới hạn việc khai báo chỉ đối với “vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị UBTVQH cho bỏ quy định tại khoản 2 Điều 32 và xây dựng bổ sung Điều 32a quy định về quản lý, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".