Ông HUỲNH PHƯỚC, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố: Cần cơ chế đặc thù làm đòn bẩy cho khoa học và công nghệ phát triển
Có thể thấy từ sau Đại hội VI của Đảng, đặc biệt là những năm gần đây, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có bước phát triển mạnh mẽ. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XI lần này đã tiếp tục xác định KH-CN là một trong những lĩnh vực quan trọng, cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển. Theo tôi, đó là một tín hiệu vui, là cơ sở để chúng ta hy vọng KH-CN sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển lên tầm cao mới.
Chủ trương, đường lối đã vạch ra như vậy, thế nhưng tại sao trên thực tế, KH-CN lại chưa trở thành động lực, chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội? Theo tôi, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng mấu chốt của vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có được một cơ chế và chính sách đầu tư mang tính đặc thù dành riêng cho lĩnh vực KH-CN phát triển đúng như tiềm năng và vị trí của nó.
Vấn đề đầu tiên và vừa mang tính đột phá vừa mang tính lâu dài, đó là chính sách phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở đây bao gồm cả đội ngũ công nhân có tay nghề lẫn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia giỏi. Về đội ngũ công nhân lành nghề bước đầu đã có chuyển biến tích cực, với hệ thống trường cao đẳng, trung cấp nghề phát triển mạnh, thu hút đông đảo người theo học.
Tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức về chất lượng và hiệu quả đào tạo nhằm bảo đảm việc học đi đôi với hành, để sau khi tốt nghiệp, những người công nhân kỹ thuật có thể đảm nhận được công việc ngay. Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nguồn đào tạo từ các trường đại học mới chỉ đáp ứng về số lượng, còn chất lượng vẫn đang là vấn đề cần quan tâm hơn nữa. Và như vậy, Nhà nước cần tập trung khâu giám sát chất lượng đào tạo, từ khâu đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đến chương trình và tổ chức quá trình đào tạo, làm thế nào để quá trình đào tạo của nhà trường bảo đảm chuẩn hóa, đồng bộ hóa và hiện đại hóa, sớm khắc phục tình trạng “trường chưa ra trường” như nhiều trường hiện nay, kể cả một số trường công lập.
Sau vấn đề nhân lực là điều kiện môi trường làm việc thông thoáng và thuận lợi. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật Việt Nam không thể phát huy được năng lực của mình là vì thiếu môi trường và điều kiện nghiên cứu khoa học đúng tiêu chuẩn. Ở đây tồn tại nghịch lý là phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu của chúng ta vừa thiếu lại vừa thừa. Đây là hệ quả của chủ trương “mặt trận” trong nghiên cứu khoa học. Chính phủ đã có chủ trương cho phép 7 lĩnh vực KH-CN được tư nhân hóa, đây được xem là chính sách có tính chất “kích cầu” trên lĩnh vực KH-CN. Thế nhưng vì thiếu cụ thể hóa nên chính sách rất quan trọng này lại chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Ngoài ra, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với những cán bộ KH-CN có tài năng, có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề thị trường KH-CN dù đã có những bước đi đầu tiên, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, thực tế chưa phát huy hết tiềm năng. Thị trường về KH-CN vẫn ở dạng sơ khai, chưa tạo nên sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Về cơ chế và chính sách đầu tư cho KH-CN hiện còn nhiều điểm bất hợp lý, không hiệu quả, nhất là chính sách đầu tư nguồn lực cho KH-CN. Vì vậy, cần kiên quyết thực hiện chính sách quản lý và đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm như Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu.
Về cơ chế quản lý tài chính, nên chuyển từ hình thức lập và duyệt dự toán theo định mức sang hình thức kết hợp cả hai, vừa dựa vào định mức về kinh tế - kỹ thuật theo quy định của Nhà nước, vừa khoán kinh phí theo sản phẩm KH-CN cuối cùng; mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm triệt để cho các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài trong việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu; khuyến khích tự đánh giá và xây dựng dự toán phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, yêu cầu sản phẩm, trên cơ sở định mức được quy định.
T.S (ghi)